Dự kiến việc chấm thi thực hiện trong vòng một tuần và ngày 11-7 công bố kết quả thi.
Theo ông Hiếu, đề thi năm nay phục vụ cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH nên đề thi ở các môn có sự phân hóa cao, như thế cũng khá hợp lý. Trong đề thi, số câu hỏi để đạt được mức độ thông hiểu, nhận biết bình thường khoảng 60%, 20% câu hỏi ở mức vận dụng thấp, 20% câu hỏi ở mức vận dụng cao với mục đích phân hóa các thí sinh để xét tuyển vào ĐH.
“Đề thi đã được Bộ GD&ĐT công bố từ sớm với những nội dung thi cũng như hình thức thi. Vì thế, độ khó dễ là tùy vào năng lực học tập của các em học sinh. Riêng đề toán năm nay có một số câu rất khó và dài, đòi hỏi học sinh phải giải như một bài tự luận thì mới có kết quả để mà đối chiếu và chọn đúng đáp án. Những câu hỏi này đòi hỏi các em phải có sự rèn luyện và thực hành những dạng bài toán như thế nhiều mới có thể làm tốt được. Năm nay dự kiến sẽ có rất ít điểm 10 môn toán” - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng qua kỳ thi này, các trường THPT sẽ rút kinh nghiệm qua đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cũng như đề thi vừa diễn ra. Đối với trình độ học sinh cũng như mục tiêu của các em khác nhau thì thầy cô phải có sự định hướng rõ ràng. Nếu muốn vào các trường ĐH tốp đầu, bản thân các em phải được tập trung rèn luyện ngay từ đầu.
“Năm tới, theo tinh thần của các thông tư quy định của Bộ GD&ĐT, đề thi sẽ là toàn cấp THPT, tức là kiến thức sẽ rải đều lớp 10, 11 và 12. Do đó, việc dạy và học phải được lên kế hoạch rất sớm để các em vừa học chương trình mới vừa có thời gian củng cố, ôn tập kiến thức lớp 10, 11 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp tới” - ông Hiếu cho hay