Các nạn nhân vẫn bình yên
Đến 21 giờ 30, lực lượng cứu hộ đã khoan thủng khối đất đá bị sập, đặt ống dẫn rút lượng nước đang dâng trong hầm.
Trước đó, suốt ngày 16, 17-12, lực lượng cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đất từ bên trong ra khỏi miệng hầm vì lượng đất đá từ bên trên sụp xuống khá lớn.
Ngày 17-12, có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo: Bằng mọi cách phải khoan xuyên vào bên trong nhằm rút nước đang dâng trong hầm. Hiện nước ở bên trong tiếp tục dâng cao (đến 20 giờ ngày 17-12, nước dâng hơn 1,2 m trong đoạn hầm bị kẹt). Điều này gây đe dọa tính mạng của 12 nạn nhân vì nước có thể dâng thêm.
Theo ông Tiến, mọi lực lượng có kinh nghiệm trong việc cứu nạn đã được huy động. Về phương án cứu hộ, sẽ khoan cả hai phía hầm.
Tại hiện trường, Thượng tá Phan Phú Ty - Phó Trưởng Công an huyện Lạc Dương cho biết qua liên lạc bằng đường ống, xác định hiện các nạn nhân bị kẹt bên trong đường hầm vẫn khỏe. Lực lượng cứu hộ tiếp tục truyền cháo, sữa vào bên trong đường ống cho các nạn nhân.
Thay đổi phương án cứu nạn
Có mặt tại hiện trường cả đêm (16-12), lực lượng cứu hộ hơn 100 người làm việc không ngơi nghỉ.
Sáng 17-12, 30 chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) tăng cường đã có mặt tại hiện trường. Ngay sau khi có mặt, các chiến sĩ công binh đã cùng với lực lượng ứng cứu tại chỗ tiến hành gia cố đường hầm và đào đất đá đưa ra bên ngoài.
Chiều cùng ngày, một nhóm công nhân mỏ có kinh nghiệm đã bay cấp tốc từ Quảng Ninh đến hiện trường, tham gia công tác cứu hộ.
Tại hiện trường, Thượng tá Phan Phú Ty cho biết phải thay đổi phương án cứu hộ. Theo đó, phương án khoan, đưa đường ống lớn vào cho các nạn nhân chui ra như dự kiến phải dừng lại vì khoan tới đâu đất đá sập xuống tới đó, nhiều mũi khoan liên tục đụng đá... Công binh Quân khu 7 đã chuyển sang đào hầm cóc hình chữ A, đào tới đâu thì đưa gỗ sắt và cừ vào gia cố tới đó để chống sập. Đây sẽ là con đường để đưa các nạn nhân ra ngoài.
Lực lượng cứu hộ lý giải: Nguyên do không khoan đặt ống là khoan sẽ gây chấn động lớn, đất đá sập xuống thêm sẽ càng làm khó khăn cho công tác cứu hộ. Các chuyên gia đánh giá khu vực sập hầm địa chất rất phức tạp. Việc dùng cuốc, xẻng đào rất chậm, quá trình đào đất có thể sạt lở thêm, tăng khối lượng đất đá phải chuyển ra ngoài.
Là một trong những đơn vị tham gia cứu hộ, ông Lê Việt Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng cho biết nếu đào thủ công, sớm nhất phải hai ngày mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài.
Một phương án khác mà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đưa ra là khoan cọc nhồi từ trên đỉnh đồi xuống nơi các nạn nhân mắc kẹt cùng lúc với khoan ngang. Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương thống nhất sử dụng cùng lúc cả hai phương án nhưng lưu ý phải tính toán để bảo đảm an toàn. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Tổng Công ty Xây dựng số 1 điều máy khoan cọc nhồi từ TP.HCM lên hỗ trợ. Dự kiến trong đêm 17-12, máy khoan chuyên dụng của Công ty Thủy điện Sông Đà sẽ được đưa từ TP.HCM đến hiện trường.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị tỉnh Lâm Đồng liên lạc với Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Vinacomin nếu có phương tiện phù hợp thì hỗ trợ ngay và giao nhiệm vụ cho chín thành viên Trung tâm Cấp cứu mỏ của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phối hợp cứu, đưa các nạn nhân ra ngoài.
Hầm Đạ Dâng cao 5 m, ngang 4 m và đã thi công được 600 m xuyên qua ngọn đồi, âm dưới mặt đất 70 m. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm khoảng 560 m, bịt lối ra của 12 cán bộ công nhân.