Dự phiên tòa giả định phòng chống bạo lực trẻ em, người dân được tặng quà

(PLO)- Tham dự phiên tòa giả định tuyên truyền và giáo dục pháp luật, người dân trả lời câu hỏi và nhận quà mang về. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Dự phiên tòa giả định phòng chống bạo lực trẻ em, người dân được tặng quà

Ngày 18-6, Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ phường Thảo Điền (TP.Thủ Đức) tổ chức Phiên tòa giả định để phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em.

HĐXX của phiên tòa giả định. Ảnh: SONG MAI

HĐXX của phiên tòa giả định. Ảnh: SONG MAI

Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Minh là vợ chồng và có một con chung là cháu Nguyễn Thị Thảo Mi (8 tuổi). Năm 2018 ông Minh và bà Thu ly hôn, cháu Mi do bà Thu nuôi dưỡng.

Giữa năm 2021, bà Thu quen với Nguyễn Thanh Nam và sống chung như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Bà Thu đem cháu Mi về sống chung với ông Nam.

Trong quá trình chăm sóc, từ tháng 2-2022 đến tháng 4-2022, những lúc cháu Mi không làm Nam vừa ý thì Nam đã nhiều lần dùng tay, dùng chổi, dùng cây lau nhà đánh vào mặt, vào lưng và chân cháu Mi. Chiều 13-4-2022, do cháu Mi giặt đồ không sạch nên Nam đã chửi, tát mạnh vào mặt cháu Mi khiến cháu té ngã, đập đầu xuống sàn nhà. Khi đưa cháu Mi đến bệnh viện để cấp cứu, Nam nói cháu Mi tự té ngã.

Phiên tòa giả định thu hút đông đảo người dân tham dự. Ảnh: SONG MAI

Phiên tòa giả định thu hút đông đảo người dân tham dự. Ảnh: SONG MAI

Khi cháu Mi đến trường, giáo viên của cháu Mi thấy trên cơ thể có nhiều vết thương. Nghi cháu Mi bị bạo hành nên giáo viên đã trình báo cho công an. Tại CQĐT, Nam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.

Theo kết luận giám định pháp y về thương tích, cháu Mi bị đa chấn thương phần mềm, có các vết bầm tụ máu cũ, mờ tại vùng mặt, ngực bụng, hai tay. Chấn thương đầu gây sưng nhẹ, chảy máu dưới màng cứng và dưới vùng trán hai bên có tỉ lệ thương tật là 16%.

Dự phiên tòa giả định phòng chống bạo lực trẻ em, người dân được tặng quà ảnh 3

Thành viên của Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đặt câu hỏi cho người tham dự chương trình. Ảnh: SONG MAI

Tại phiên tòa giả định, theo vị hội thẩm nhân dân, hành vi bạo hành, bạo lực đối với trẻ để lại hậu quả rất nặng nề. Không chỉ để lại thương tật trên cơ thể mà trẻ em phải gánh chịu hậu quả về tinh thần, tính cách, hành vi của trẻ.

Phản ứng kiểu thứ nhất là trẻ đang hiền lành bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Kiểu thứ hai là trẻ thu mình lại, trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người. Mức độ trầm trọng hơn là trẻ bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác.

Việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ sẽ hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình; gặp khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống, rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài…Trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

Dự phiên tòa giả định phòng chống bạo lực trẻ em, người dân được tặng quà ảnh 4
Trao quà cho các em nhỏ trả lời câu hỏi trong phiên tòa giả định. Ảnh: SONG MAI

Bên cạnh đó, vị hội thẩm cũng nhấn mạnh vai trò của bậc cha mẹ trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái. Cháu Mi đã bị bạo hành trong một thời gian dài, khi thấy những thương tích trên người cháu Mi nếu cha và mẹ quan tâm, hỏi han kỹ thì đã phát hiện ra sự việc. Từ đó có biện pháp ngăn ngừa, xử lý người vi phạm, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo ba năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng đã đặt các câu hỏi liên quan đến phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em để người tham dự trả lời và trao quà động viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm