Đủ thứ bệnh từ smartphone

Tại BV ĐH Y Dược, ngày càng đông người bệnh đến khám với các triệu chứng đau mỏi ở vùng cổ bàn tay, các ngón tay, có thể kèm theo đau mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính là do người bệnh sử dụng smartphone thường xuyên.

Smartphone kiểu gì cũng bệnh

Điện thoại thông minh có hai loại, một là loại dùng bàn phím cứng vật lý, hai là loại cảm ứng.

Đối với các loại điện thoại này thì lực bấm lớn gây tác động trực tiếp lên đầu ngón tay nhiều. Tác hại từ smartphone ngày càng nhiều do người dùng không để ý đến điều này.

Mới đây, chị LTB, nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi (quận 7, TP.HCM), đến BV với biểu hiện ở ngón tay cái bàn tay phải đau nhiều, khi gấp duỗi có tiếng “lật bật” ở khớp cuối của ngón tay, có lúc gập ngón tay đột ngột thì bị “mắc kẹt” luôn, tay tê thường xuyên ngay cả trong khi ngủ.

Việc sử dụng máy tính, điện thoại nhiều cho công việc và giải trí đã gây ra các bệnh chủ yếu ở bàn tay, cộng thêm ảnh hưởng cột sống, cổ, vai, lưng.

Dễ kích thích gân bị viêm

ThS-BS Nguyễn Đức Thành, khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết những người dùng smartphone nhiều sẽ kích thích gân bị viêm, bao gân dày lên và chèn ép dây thần kinh giữa tạo ra hội chứng ống cổ tay, gây cảm giác châm chích, tê tay như kiến bò, làm việc rất khó khăn, nhiều khi phải ngưng lại không thể làm nữa.

Bệnh này có thể gây hậu quả như yếu các ngón tay và di chứng nguy hiểm như teo cơ của các ngón tay. Ngoài ra, có người bệnh có biểu hiện đau ở các khớp nhỏ của bàn tay do sử dụng máy quá nhiều gây viêm dây chằng, đau nhức kéo dài.

Sử dụng smartphone không đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Ảnh: HP

Để phòng bệnh và điều trị, người dùng phải giảm tổng thời gian dùng smartphone trong một ngày và tăng khoảng cách thời gian giữa những lần sử dụng (khoảng 15-30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động để giảm sức căng).

Theo nghiên cứu cho thấy nếu dùng smartphone một tay sẽ gây áp lực, sức ép của dây chằng nhiều hơn dùng hai tay. Người dùng có thể phân phối lực cầm lên hai tay, tìm một điểm tựa như bàn hoặc đùi, làm giảm áp lực lên gân cơ, dây chằng của bàn tay. Tập các bài thể dục chuyên biệt cho tay. 

Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời tổn thương đang mắc phải.

Theo thống kê của Mỹ, năm 2012 có 35% số lượng người trưởng thành sử dụng smartphone, sau bốn năm, con số này đã tăng lên 65% (2016).

Theo số liệu thống kê của BBC, mỗi ngày trên thế giới có 17,6 tỉ tin nhắn được thực hiện qua sóng di động. Số lượng người sử dụng các thiết bị smartphone ngày càng gia tăng cùng với thời lượng sử dụng trong một ngày.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm