Có thể nhiều người cho rằng đó chỉ là một thói quen sinh hoạt và ngoài đôi chút khó chịu cho người đối diện, nó không gây tác hại nào khác. Tuy nhiên, sự việc có thể phức tạp hơn bạn nghĩ.
Nhiều người than vãn rằng chồng/vợ họ cứ dán mắt vào điện thoại trong mọi lúc, kể cả những thời khắc riêng tư nhất. Khi đi chơi, hẹn hò, thậm chí khi vào nhà hàng lãng mạn nhất, họ cũng nhìn điện thoại chứ không ngó tới menu, kèm theo một câu chống chế rằng: “Em muốn ăn gì cứ gọi, anh chiều”.
Theo một thống kê xã hội học, con người đang lệ thuộc vào chiếc điện thoại nhiều hơn mức họ ý thức được. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ gần gũi với họ, đặc biệt là vợ chồng, con cái.
Vì sao bạn quan tâm đến chiếc điện thoại nhiều hơn cả những người đang hiện diện quanh bạn. Bạn có thể không xem lũ trẻ ngủ chưa nhưng lại thường xuyên kiểm tra điện thoại ngay cả trước khi “yêu”.
Việc chúng ta dán mắt vào điện thoại khi ngồi cùng người khác sẽ khiến họ bị giảm dần mức độ hài lòng đối với mối quan hệ này. Tình trạng kéo dài sẽ tạo ra cảm giác bất mãn, bào mòn tình cảm và có thể dẫn đến đổ vỡ.
Để kiểm soát tình trạng này, có ba bước để hành động.
Xem lại bản thân
Nếu muốn người ấy bỏ điện thoại xuống, trước hết bạn phải làm được điều đó. Việc cần làm là kiểm tra chính bản thân mình, thói quen, mức độ, thời lượng sử dụng điện thoại của mình. Một lý do lớn để người kia yên tâm lướt điện thoại là do họ thấy bạn cũng vậy.
Tiếp theo, cần xây dựng ý thức “cai nghiện” điện thoại áp dụng đầu tiên cho bản thân. Ví dụ, bạn tự đặt ra những nguyên tắc cho mình khi về nhà sẽ để điện thoại ở đâu, không nghe điện thoại từ 10 giờ đêm trở đi trừ khi là cuộc gọi từ gia đình, không bao giờ sử dụng điện thoại khi ngồi ăn cơm, nói chuyện với chàng hay dạy con học…
Hãy đem chính mình ra làm gương. Khi bạn dành cho chiếc điện thoại của mình khoảng thời gian ít nhất có thể thì thói quen sử dụng điện thoại của người ấy cũng sẽ thay đổi.
Đảm bảo cho người ấy nhận ra cách bạn dùng điện thoại, cách bạn dành thời gian khi ở bên người thân, đặc biệt là họ. “Rất dễ dàng khi đòi hỏi sự thay đổi của người khác, nhưng bạn phải thực hiện trước mới có cơ sở thuyết phục” - các chuyên gia khẳng định.
Khi bạn chắc chắn chiếc điện thoại không phải là vật chi phối bạn, không cản trở bạn giao tiếp với người khác đã đến lúc để nói chuyện nghiêm túc với người còn lại.
Hãy nói chuyện rõ với anh/cô ấy về thói quen dán mắt vào điện thoại của họ khiến bạn không vui, tổn thương và buồn chán đến thế nào. Giải thích rõ về sự cần thiết dành thời gian cho nhau và mức độ phá hoại đang ngày càng nghiêm trọng của chiếc điện thoại đến mối quan hệ của cả hai.
Cảm giác bị bỏ rơi, không được tôn trọng và sự thất vọng của bạn đang khiến tình cảm của hai người đi đến mức nhàm chán. Ngoài lý do công việc, bạn không muốn người ấy phí phạm thời gian ở bên nhau cho việc lướt net, xem Facebook. Việc có những khoảnh khắc vui vẻ, ý nghĩa bên nhau mới tạo nên nền tảng cho một mối quan hệ “khỏe mạnh” và hạnh phúc.
Hành động
Đặt ra một bản thỏa thuận kiểu như “gia pháp” về quy định sử dụng điện thoại khi ở nhà, ở bên nhau… Và cả hai thống nhất với nhau trong các điều khoản trên tinh thần dung hòa nhu cầu của nhau.
Hãy để cho người ấy hiểu rằng dù tác hại của việc “yêu” điện thoại hơn yêu người không thấy rõ ngay nhưng nó như một làn khí độc, sẽ đầu độc dần dần mối quan hệ của hai người và cuộc sống chung. Song về lâu dài, chắc chắn nó sẽ tạo ra vấn đề lớn và mọi sửa chữa có thể là quá muộn.