Đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Ban quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long và BQLDA 7 là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đều cho biết dự án đang gặp nhiều khó khăn về giá cả và nguồn nguyên vật liệu. Mới đây, các đơn vị này tiếp tục có kiến nghị gửi Bộ GTVT đề xuất các giải pháp để sớm đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ

Theo BQLDA Thăng Long, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng đạt 99,93%. Giá trị giải ngân các gói thầu xây lắp đến nay đạt 1.860 tỉ đồng/2.156 tỉ đồng (kế hoạch vốn năm 2021 đạt 86,3%). Trong khi đó, theo mục tiêu hoàn thành đến cuối năm 2021, sản lượng và khối lượng phải đạt 2.128 tỉ đồng, chiếm 36,43% hợp đồng.

BQLDA Thăng Long cho biết giai đoạn sáu tháng đầu, cả bốn gói thầu đều bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm. Do vướng mặt bằng nên không thể thông đường công vụ làm ảnh hưởng đến việc tập kết thiết bị, vật tư. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn chủ quan, một số nhà thầu tiếp cận dự án chưa quyết liệt, xây dựng kế hoạch chưa sát thực tế dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ. Đến nay, các gói thầu từng bước khắc phục các khó khăn, từng bước huy động và đẩy nhanh tiến độ thi công khi mùa khô bắt đầu.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: ĐT

“Tuy tiến độ chưa đáp ứng được kế hoạch sản lượng nhưng với phương pháp tổ chức, sự chuẩn bị đầy đủ thì tiến độ của dự án trong quý I-2022 sẽ vượt yêu cầu và sẽ về đích sớm từ một đến ba tháng” - BQLDA Thăng Long cho biết.

Tương tự, tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, BQLDA 7 cho biết đến nay các địa phương đã bàn giao đủ mặt bằng. Sản lượng thi công đến thời điểm hiện tại là 1.381,37 tỉ đồng, sản lượng các nhà thầu bị chậm 18,33% so với kế hoạch. Theo kế hoạch, đến hết năm 2021, dự án phải giải ngân đạt 1.583,5 tỉ đồng nhưng việc này là không khả thi. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch COVID-19, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp còn chậm cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án.

“Nguyên nhân chính vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường mặc dù đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả gói thầu” - BQLDA 7 cho biết .

Kiến nghị nhiều nhiệm vụ cấp bách

Để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, BQLDA Thăng Long kiến nghị tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng để thi công cầu vượt và cầu nút giao, đồng thời giải quyết việc cấp phép mỏ vật liệu đất đắp trong tháng 12-2021. Đối với nhà thầu cần chuẩn bị tốt nguồn tài chính cung cấp đến công trường; cử lãnh đạo thường trực tại hiện trường dự án để xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan.

Bên cạnh đó là duy trì và tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đảm bảo thủ tục hồ sơ nghiệm thu để thi công bước tiếp theo không phải chờ đợi. Đặc biệt phải xây dựng lại kế hoạch hành động để đến tháng 3-2022 phải bắt kịp và vượt tiến độ hợp đồng. Song song đó là xây dựng kế hoạch thi công trong dịp lễ, tết năm 2022.

BQLDA Thăng Long cho biết hiện nay các nhà thầu đang kiến nghị tính toán chỉ số riêng để áp dụng cho dự án. Việc này phù hợp với tình hình thực tế về biến động giá vật liệu, nhân công trong quá trình triển khai dự án.

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Đinh Công Minh, Giám đốc BQLDA 7, cho biết dự án tuy còn chậm nhưng với phương pháp tổ chức như hiện nay thì thời gian tới sẽ bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo hợp đồng. Tuy nhiên, cần phải khắc phục một cách tổng thể có hệ thống từ tổ chức thi công và quản lý chất lượng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Minh cho rằng cần tiếp tục phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm 17 vị trí giao cắt điện cao thế (220 kV và 500 kV). Về nguồn vật liệu đất đắp thì tích cực phối hợp với địa phương hoàn tất thủ tục cấp phép với các mỏ đang làm thủ tục cũng như các mỏ đang được cấp phép theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60.

“Cần đẩy nhanh tiến độ thi công nền các đoạn đắp thấp để có công địa triển khai thi công các hạng mục. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đúc dầm, thi công kết cấu cầu để đẩy nhanh sản lượng thi công, giải ngân. Các nhà thầu đã có cam kết với BQLDA 7 phải nghiêm túc thực hiện, nếu không đảm bảo thì ban sẽ báo cáo bộ và căn cứ các điều khoản hợp đồng để xử lý” - ông Minh nói.•

Xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng

BQLDA 7 kiến nghị phải xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng. Trong đó, giám đốc BQLDA 7 đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo nhà thầu thi công, kiểm điểm tình hình thực hiện, đánh giá nguyên nhân chậm trễ tiến độ. Yêu cầu các đơn vị ký cam kết về khối lượng thực hiện một số hạng mục chính, sản lượng thực hiện, giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 và cam kết hoàn thành dự án theo hợp đồng trong năm 2022.

Định kỳ hằng tuần, ban sẽ họp kiểm điểm và đánh giá tiến độ thực hiện. Đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ so với cam kết, BQLDA 7 đã có văn bản cảnh cáo, xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng. “Nếu các đơn vị tiếp tục chậm trễ, không quyết liệt triển khai thi công thì BQLDA 7 sẽ xử phạt theo quy định hợp đồng. Đồng thời báo cáo Bộ GTVT xem xét cắt chuyển khối lượng, giao cho thành viên khác trong liên doanh hoặc đơn vị khác có năng lực thực hiện” - BQLDA 7 nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới