Đề cương về văn hóa là động lực cho phát triển bền vững - Bài 1:

Đưa “Đề cương văn hóa” vào Nam

(PLO)- Giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển một cách tự chủ, theo hướng tiến bộ” - Tổng Bí thư Trường Chinh nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: 80 năm qua, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và có giá trị xuyên suốt đến ngày hôm nay.

80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2-1943, là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.

Giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa

Trong diễn văn nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Đề cương (27-12-1983), Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết: Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra lúc đó là làm thế nào huy động được mọi lực lượng để cứu nước, giải phóng dân tộc. Muốn thế phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết tất cả những người ta có thể đoàn kết, tranh thủ tất cả những người ta có thể tranh thủ.

Tổng Bí thư Trường Chinh tham dự các sự kiện văn hóa. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Trường Chinh tham dự các sự kiện văn hóa. Ảnh: TTXVN

Mặt trận Việt Minh đã ra đời trong hoàn cảnh đó để thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng. Từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, tất cả đứng dưới ngọn cờ cứu nước của Đảng và của Mặt trận Việt Minh để đánh đổ Nhật, Pháp.

“Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng chỉ cho họ thấy đâu là lối thoát. Muốn giải phóng trí thức, phải giải phóng toàn thể dân tộc khỏi ách phát xít Nhật, Pháp, giành lại độc lập, tự do. Và giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển một cách tự chủ, theo hướng tiến bộ” - Tổng Bí thư Trường Chinh nói.

Đề cập về lý do Đảng soạn thảo bản Đề cương, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đưa ra ba vấn đề, trong đó ông cho rằng: Đảng nhận thức rất rõ và sâu sắc rằng Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, sự tồn tại của dân tộc trước các cuộc xâm lược của ngoại bang đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa và tính cố kết, ứng xử cộng đồng, truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc.

Ông Lê Hữu Kiều (tức Nam Mộc, Xuân Tùng) phụ trách báo Cứu Quốc năm 1947. Ảnh: Trung tâmLưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.

Ông Lê Hữu Kiều (tức Nam Mộc, Xuân Tùng) phụ trách báo Cứu Quốc năm 1947.
Ảnh: Trung tâm
Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.

“Đây chính là cội nguồn của tinh thần dân tộc và chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã dựng xây, bồi đắp, là nguyên nhân sâu xa và cơ sở vững vàng để chiến thắng kẻ thù mà Đảng cần phải nắm lấy và phát huy trong lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc” - PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.

Đề cương trong hoạt động văn hóa ở Nam Kỳ

Trong bối cảnh bức thiết của thời điểm bấy giờ, Đề cương ra đời có ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, do điều kiện thực tiễn, việc phổ biến Đề cương trong cả nước, đặc biệt là tại miền Nam cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở.

Tại đây, sau khởi nghĩa Nam Kỳ, phong trào lắng xuống, rất nhiều cơ sở tan rã. Một số nhóm cộng sản tuy vẫn hoạt động nhưng rời rạc, cầm chừng và mất phương hướng vì chưa liên lạc được với Trung ương.

PGS-TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá từ thực tiễn cách mạng chính trị giành lại độc lập của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức về văn hóa và vai trò của văn hóa, vai trò của đội ngũ trí thức đối với vận mệnh dân tộc to lớn như thế nào.

Từ thực tiễn đó, ngay sau Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng (từ ngày 25 đến 28-2-1943) tại một cơ sở bí mật ở Cổ Nhuế, Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội), Tổng Bí thư Trường Chinh đích thân gặp đồng chí Lê Hữu Kiều giao nhiệm vụ vào gấp Nam Bộ truyền đạt ngay đường lối của Trung ương trong tình hình mới để các đồng chí Nam Bộ thực hiện, kèm theo đó là bức thư của Tổng Bí thư gửi các đồng chí Nam Bộ.

Ông Lê An Khánh, con trai ông Lê Hữu Kiều, kể lại vào cuối năm 1983, ông đưa cha đến làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh. “Buổi làm việc hôm ấy kéo dài hơn thường lệ (khoảng 2 giờ so với 1 giờ như những lần trước đó) vì bác Trường Chinh muốn tham khảo ý kiến của cha tôi về dự thảo bài “Diễn văn nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam” mà ông sẽ đọc tại lễ kỷ niệm do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào ngày 27-12-1983” - ông Lê An Khánh cho biết.

Cũng trong buổi làm việc này, Tổng Bí thư Trường Chinh gợi ý cho ông Lê Hữu Kiều nên có tham luận gửi ban tổ chức lễ kỷ niệm.

Trong tham luận của mình, ông Lê Hữu Kiều cho hay cuối năm 1943 đến giữa năm 1944 vẫn chưa tiếp nhận được Đề cương. Mãi đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, đồng chí Bùi Lâm, phái viên của Trung ương, mới vào Nam truyền đạt một số vấn đề về Đề cương mà ông tiếp thu được. Sau đó ít lâu, đồng chí Kỳ, giao thông của Trung ương, mới đem bản Đề cương chính thức in thạch bản vào.

Tìm cách truyền bá

Sau khi tiếp nhận Đề cương, ông Kiều cho biết anh em hoạt động văn hóa và chính trị ở Nam Kỳ có viết một số bài báo theo tinh thần của Đề cương và cố tìm mọi cách để có thể đưa ra trên các báo công khai lúc bấy giờ. “Vấn đề truyền bá chữ Quốc ngữ còn rất lẻ tẻ vì chưa tổ chức được các hội, chi hội như ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ” - ông cho biết.

Nhiều điểm trong Đề cương năm 1943 của Đảng tuy ra đời trong một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng cứu quốc, giải phóng dân tộc, dân chủ vẫn có thể soi sáng cho chúng ta trong cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay.

Ông LÊ HỮU KIỀU

Sau đó, tổ chức phân công cho ông Huỳnh Như Khương phụ trách thêm công tác triển khai Đề cương, gợi ý cần tìm hiểu, liên lạc với một số nhân sĩ, trí thức, những người hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, tôn giáo để đăng một số bài tiến bộ trên báo.

Ngoài ra, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nội bộ các tổ chức tôn giáo có bị phân hóa. Ta tranh thủ vận động quần chúng chống mê tín dị đoan, khơi dậy ở họ lòng yêu nước và tự nguyện gia nhập vào đoàn thể Việt Minh. Đặc biệt, ta tranh thủ được bộ phận đầu não của đạo Hòa Hảo. Một số cơ sở Hòa Hảo đề nghị Việt Minh đưa cán bộ tới dạy văn hóa và huấn luyện quân sự. Đây cũng là kênh quan trọng để phổ biến Đề cương tới bộ phận này.

Bài 2: Nguồn lực nội sinh phát triển đất nước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm