Đua nhau “chặt” đất nông nghiệp: Phải xử như xử đầu nậu

Trước tình trạng phân lô đất nông nghiệp bán với giá rẻ Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trong bài “Đua nhau “chặt” đất nông nghiệp” (số ra ngày 14-1), lãnh đạo các địa phương có những nhìn nhận, đánh giá về thực trạng này trên địa bàn đang quản lý.

Đây là hành vi trái pháp luật, cần xử lý nghiêm như đầu nậu

Theo quy định hiện hành, chỉ khu dân cư hiện hữu mới cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô để xây dựng nhà ở riêng lẻ với điều kiện đảm bảo hạ tầng. Các khu vực quy hoạch là khu dân cư xây dựng mới thì phải lập các dự án. Nếu doanh nghiệp phân lô trong khu vực này mà không lập dự án là vi phạm pháp luật, huyện Bình Chánh chắc chắn sẽ không xử lý cho chuyển mục đích sử dụng đất. Đó có thể xem như những đầu nậu cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhờ những căn nhà lắp ghép tạm trên đất trống này mà chủ đầu tư được tách thửa với diện tích nhỏ hơn. Ảnh: VIỆT BÔNG

Tại huyện Bình Chánh trong thời gian qua, hàng trăm căn nhà đã bị cưỡng chế vì xây không phép chủ yếu rơi vào trường hợp này. Khi mua đất, người dân thấy quy hoạch đây là đất phi nông nghiệp trong đô thị nên tưởng rằng được phép xây dựng nhà ở (thực tế là không được). Do đó, người mua đất trong các dự án này cần phải tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ về quy hoạch. Nếu không, chính họ sẽ phải chịu thiệt thòi vì việc mua bán giữa doanh nghiệp và người dân là giao dịch dân sự, chính quyền không thể biết để can thiệp.

Với việc lách luật để giảm nhỏ diện tích bằng cách xây nhà tạm cần phải xem lại quy định tại Quyết định số 19/2009. Nếu đã là đất ở thì được phép xây dựng mà không cần phân biệt đất trống với đất có nhà ở. Quan điểm của huyện Bình Chánh: Đất ở đô thị tối thiểu là 50 m2, ở nông thôn là 80 m2 hay 120 m2 tùy từng khu vực sẽ được phép tách mà không cứng nhắc là có nhà hay không.

Ngoài ra, đối với các khu vực quy hoạch dân cư đô thị mới nhưng chưa có kế hoạch thực hiện theo quy hoạch, chưa có nhà đầu tư, huyện Bình Chánh chỉ cho phép sử dụng đất ngắn hạn (cho thuê đất hằng năm hoặc năm năm) để tận dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong khi chờ dự án triển khai.

Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Rà soát lại quy hoạch

Thực tế báo nêu mới vừa diễn ra trên địa bàn quận 9. Qua kiểm tra, một số khu vực có hiện tượng cắm cọc, phân lô và bán đất nông nghiệp cho người mua dưới dạng đồng sử dụng. Khi đọc các thông tin quảng cáo dọc nhiều tuyến đường, tôi đã yêu cầu phường kiểm tra, xử lý. Có vụ bên bán đã nhận tiền đặt cọc, phường yêu cầu trả lại cho người mua và thông tin rõ về quy hoạch của khu vực để người dân không mua nhầm. Đồng thời quận cũng chỉ đạo 13 phường thông tin, hướng dẫn các điều kiện, thủ tục để giải quyết cấp phép xây dựng cho dân.

Theo quy trình, để được tách thửa phải chuyển mục đích sử dụng đất, làm hạ tầng và nghiệm thu xong thì quận mới cho tách thửa và cấp sổ đỏ cho từng hộ để xin phép xây dựng… Tuy nhiên, các đối tượng thường bán rồi mới đi làm thủ tục. Do đó khi phát hiện phân lô không đúng quy định thì việc mua bán cũng đã xong. Nhiều trường hợp chủ đất bán xong là phủi trách nhiệm, bỏ mặc người dân tự xử lý.

Trên địa bàn quận 9 có những khu vực quy hoạch là dân cư xây dựng mới nhưng nằm xen trong khu dân cư hiện hữu. Hiện quận đang rà soát, xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

ĐẶNG THỊ HỒNG LIÊN, Chủ tịch UBND quận 9

Lách luật: Địa phương biết nhưng không thể xử phạt

Thực tế, theo quy định đất ở có nhà là được tách với diện tích nhỏ hơn đất trống. Phổ biến nhất hiện nay là những lô đất sau khi tách có diện tích từ 50 m2 (theo quy định của huyện Nhà Bè tối thiểu là 80 m2 hoặc 120 m2 tùy vị trí - PV). Diện tích này đáp ứng nhu cầu nhà ở có thật của đại đa số người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình. Họ thường là dân nhập cư hoặc có nhà, đất tại các quận nội thành trong diện giải tỏa. Khi tách thửa không được, người dân thường mua bán giấy tay rồi xây nhà không phép. Vấn đề này huyện Nhà Bè đang siết lại để quản lý chứ không thể xử phạt.

Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

VIỆT BÔNG

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH&KT: Sẽ đề xuất TP xem xét

Sau khi điều chỉnh quy hoạch 1/2000, nhiều địa phương bị vướng khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, tách thửa… cho người dân. Một yếu tố cần xem xét là như thế nào gọi là phù hợp quy hoạch? Phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2.000 hay quy hoạch phân khu? Chính sách nhà đất kèm theo phải như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho dân mà vẫn giữ được tính ổn định của quy hoạch? Sở QH&KT đang tổng hợp ý kiến của tất cả 24 quận, huyện, trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức hội nghị có sự tham gia của 24 quận, huyện, ban quản lý các khu đô thị và sở, ngành liên quan để bàn bạc đưa ra giải pháp, đề xuất UBND TP xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới