Sáng 21-10, UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cùng đại diện cảnh sát môi trường, Chi cục Thú y đã họp bàn biện pháp xử lý 170 tấn xương thối đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu). Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa tìm ra được hướng xử lý vì các cơ quan trên cứ tranh cãi quanh chuyện “170 tấn xương đang bị tạm giữ là sản phẩm động vật hay phế liệu?”.
Thú y chuyển cho chính quyền
Trước đó, ngày 5-10, Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an TP Đà Nẵng phối hợp Thanh tra Chi cục Thú y kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh phế liệu của bà Nguyễn Thị Ngãi tại Khánh Sơn (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) và phát hiện tại đây tích trữ 170 tấn xương động vật đang bốc mùi hôi thối. Đoàn kiểm tra lập biên bản thu giữ 170 tấn xương, đồng thời đình chỉ hoạt động cơ sở bà Ngãi.
Vụ việc ban đầu được giao cho Chi cục Thú y quản lý. Tuy nhiên ngày 14-10, trong cuộc họp giải quyết vụ việc trên, ông Trần Văn Hào, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, kết luận xương trên có nguồn gốc từ bãi rác, không phải từ quy trình sơ chế động vật. Xương động vật đã thành phế liệu thì ngành thú y không còn trách nhiệm quản lý.
Nếu xương động vật trong trường hợp này được xem là phế liệu thì việc kinh doanh của bà Ngãi là hợp lý vì bà Ngãi có giấy phép kinh doanh phế liệu. Tuy nhiên, trong danh mục phế liệu được phép có mặt xương động vật hay không thì cần xác định lại. Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND quận Liên Chiểu đề nghị tiếp nhận hồ sơ để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Chính quyền đẩy lại cho thú y
Sáng 21-10, người viết có mặt tại khu vực tập kết 170 tấn xương và chứng kiến một hình ảnh xương thối đổ tháo tràn lan ra đường, dòi bọ, ruồi bu quanh kèm mùi hôi nồng nặc bao trùm đoạn đường dài cả vài chục mét.
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân tại đây bức xúc: “Sau trận mưa, xương bốc mùi dữ dội. Chúng tôi không thể nào chịu nổi! Nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng xử lý thì dân ở đây có nguy cơ đối diện với dịch bệnh”.
Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết chính quyền địa phương rất muốn xử lý nhanh vụ việc, tránh ảnh hưởng kéo dài đời sống của người dân nhưng việc xử lý thuộc về trách nhiệm Chi cục Thú y. Theo ông Hưng: “Căn cứ theo Pháp lệnh Thú y của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29-4-2004, trách nhiệm xử lý 170 tấn xương động vật trái phép này thuộc về Chi cục Thú y TP Đà Nẵng. Vì đây là sản phẩm động vật chứ không phải là phế liệu”.
HỮU KHÁ