Đừng bắt khán giả 'ăn đồ nguội', đưa phim Việt, phim mới trở lại rạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, tổng doanh thu 12 phim ra rạp ba ngày cuối tuần qua (thứ 6 đến Chủ nhật) chỉ trên dưới 5 tỉ đồng. Tiếp tục trong hai ngày đầu tuần, thứ 2 và thứ 3 (22 và 23-11) lần lượt chỉ hơn 500 triệu đồng, 200 triệu đồng. Đây có thể xem là con số giảm sâu so với thời điểm trước dịch hơn sau tháng trước lần sau đại dịch năm ngoái.

TP.HCM là thị trường chiếm 75% doanh thu dịch vụ rạp phim cả nước, thế nhưng suất chiếu đông nhất trong ngày cuối tuần qua tại TP.HCM chỉ khoảng hơn 10 khách.

Phim 'Em và Trịnh' dời lịch sang hẳn năm 2022 thay vì dự định ra mắt vào Giáng sinh năm nay. Ảnh: Galaxy cung cấp

Phân tích về nguyên nhân rạp vắng bóng khách dù mở cửa trở lại sau 200 ngày, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV Việt Nam, chia sẻ: “Những đợt dịch trước hậu quả không ghê gớm như lần này từ số lượng ca tử vong, người nhiễm… và đến giờ con số vẫn nhiều mỗi ngày; vì thế người dân vẫn mang tâm lý e ngại khi tham gia các hoạt động bên ngoài.

Bên cạnh đó, rạp ở TP.HCM mở cửa nhưng tổng lượng rạp được mở trên cả nước chỉ mới chiếm 60% thị phần. Các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, một số tỉnh miền Tây… vẫn chưa được phép mở bởi tình hình dịch. Chúng tôi hy vọng khoảng hai ba tuần nữa, mọi thứ sẽ dần ổn định hơn”.

Tương tự như CGV, cụm rạp Lotte, BHD, Galaxy… cũng đang vừa mở cửa vừa quan sát cầm chừng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cầm chừng của các hệ thống phát hành này bởi còn lo âu về dịch thì chính các nhà phát hành cũng phải xem lại nội dung phim đang trình chiếu ở rạp.

Các phim được chiếu ở rạp cuối tuần qua và vẫn đang chiếu đều là phim cũ của thị trường Việt Nam lẫn thế giới. Hai phim Việt đang có mặt ở rạp là: Lật mặt: 48h, Thiên thần hộ mệnh; các phim ngoại đang chiếu: Black Widow (Goá phụ đen), Suicide Squad (Điệp vụ cảm tử), The Conjuring (Ma xui quỷ khiến), Âm hồn nhập xác… hầu hết đều là những phim phát hành hơn 6 tháng trước và đã lên các nền tảng VOD (Video on Demand – Video theo yêu cầu).

Việc đưa hai phim Việt cũ ra “vét” thị trường bởi phim ngưng phát hành vì dịch là một lẽ; một lẽ khác với phim ngoại, các nhà phát hành thường mua trước và có thời hạn. Do dịch, sau khi chưa kịp phát hành ra rạp, tất cả phim đều khởi chiếu trên các nền tảng VOD. Khi phim đã chiếu VOD, thị trường Việt Nam lại dễ có cảnh phim đã được xem lậu (phim không bản quyền) trên mạng thì khán giả càng không xem tại rạp. Đây là thiệt hại rất khó đong đếm cho các nhà phát hành.

CGV khử khuẩn để mở cửa lại rạp từ giữa tháng 10-2021. Ảnh: CGV cung cấp

Năm ngoái, sau đợt dịch thứ hai, vào tháng 9-2021, Cục Điện ảnh Việt Nam đã mở một hội thảo mang tên “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19”. Ở đó, các nhà quản lý, nhà phát hành, nhà đầu tư, nhà sản xuất… cùng ngồi lại để đưa ra những hướng đi ủng hộ phim Việt hậu đại dịch. Nhờ thế, hàng loạt phim sau đó đã có doanh thu rất tốt: Ròm, Tiệc trăng máu, Bố già, Giáo già lắm chiêu…

Ông Nguyễn Hoàng Hải, cho rằng: “Rạp đang rất cần phim nhưng các nhà sản xuất phim Việt đều mong muốn chờ kỳ lễ hội. Cùng đó, thị phần rạp mở cửa chưa đến 70% nên thị trường không đủ để phát hành. Giai đoạn này thật sự nhà phát hành đang thử nghiệm, chiếu phim cũ nhưng là… cũ người mới ta. Từ từ chúng tôi mới phát hành những phim bom tấn cùng phim Việt".

Trong danh mục phim sắp chiếu tuần đến hết tháng 11 cho đến giữa tháng 12 hầu hết vẫn là phim ngoại cũ, hoàn toàn không có phim Việt mới. Trong khi phim Việt hàng loạt phim đang dồn chờ từ dịch, chờ rạp mở từ năm ngoái đến nay: Bẫy ngọt ngào, 1990, Em và Trịnh, Rừng thế mạng, Chìa khoá trăm tỉ, Người lắng nghe…

Bẫy ngọt ngào liên tục dời lịch vì dịch và ấn định ra mắt vào mùa cuối năm nay. Ảnh: CJ HK Entertainment cung cấp

Thực tế, nếu các nhà phát hành tiếp tục lừng khừng, không mạnh tay, chỉ nghĩ đến thiệt hại trước mắt, cho khán giả tiếp tục "ăn đồ nguội" thì doanh thu một tháng tới sẽ còn thảm bại. Nên chăng các nhà sản xuất, nhà phát hành cùng ngồi lại để đẩy phim cũ khỏi hệ thống phát hành, đưa phim mới và hỗ trợ phim Việt ra rạp hơn. Suy cho cùng, có phim mới, rạp mới có thể kéo khán giả đến xem.

Chia sẻ về quyết định ra rạp vào cuối tháng 12, dù phim đã dời nhiều lần vì dịch, nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng của phim Bẫy Ngọt ngào cho rằng: “Ngay khi rạp mở, Bẫy ngọt ngào rất muốn ra ngay lập tức, tuy nhiên do một phần chúng tôi muốn chọn thời điểm tốt; bên cạnh đó cũng phải né các phim ngoại đang kín lịch ở rạp vì vậy chúng tôi quyết định dời đến tháng 12 để tránh đụng lịch.

Cái khó của phim Việt khi trở lại rạp ngoài những yếu tố dịch, cái khó nhất vẫn là lịch chiếu phù hợp. Hiện quá nhiều phim dồn từ tháng 5 lẫn năm ngoái đến giờ nên thật sự chúng tôi không dễ để lấy được ngày ra rạp. Rạp lại hiện đang nhiều phim cũ; thật sự những phim mới luôn mong muốn được sự ủng hộ của rạp từ suất chiếu đến sự sẵn sàng đến rạp của khán giả, chúng tôi chờ đợi cũng quá lâu rồi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm