Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến ô tô làm chết nhiều người. Đáng chú ý là nhiều vụ tai nạn do tài xế đã sử dụng chất kích thích khi lái xe, sau đó thì gây ra tai nạn thảm khốc. Phải chăng pháp luật chế tài các vi phạm này chưa nghiêm?
Theo Điều 260 BLHS, khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, thường thì người vi phạm ít nhiều có các tình tiết giảm nhẹ nên hầu hết sẽ không bị xử phạt mức tối đa, nghĩa là mức hình phạt thường sẽ không đến 15 năm tù. Chưa kể, nếu trong quá trình giải quyết vụ án hoặc trong quá trình thụ án mà chủ sở hữu phương tiện hoặc người vi phạm bồi thường thiệt hại thì họ sẽ được giảm án một cách đáng kể, trong khi có thể tai nạn đã làm chết nhiều người.
Ở đây lỗi không phải do xét xử nương nhẹ, mà do luật quy định như vậy nên các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể căn cứ vào đó để xét xử.
Điểm b, Khoản 2, Điều 260 có tình tiết định khung là “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Như vậy, việc sử dụng chất kích thích rồi điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến hậu quả chết người là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, do luật quy định như vậy nên cũng khó xử người vi phạm ở khung hình phạt cao hơn, trừ trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được người vi phạm cố ý thực hiện hành vi. Khi đó mới có thể xem xét theo tội danh “Giết người”, quy định tại Điều 123 BLHS có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nhưng thực tế, để chứng minh hành vi cố ý trong các vụ tai nạn giao thông là rất khó trừ trường hợp có mâu thuẫn trước đó và tiếp đến chuỗi hành vi tông xe làm chết người.
Điều 260 BLHS quy định hình phạt như vậy là phù hợp do đây là hành vi vô ý và nó cũng phù hợp với các tội danh vô ý làm chết người khác trong BLHS. Tuy nhiên, đấy là nếu do một người hoàn toàn bình thường, có đầy đủ sức khỏe điều khiển phương tiện rồi gây tai nạn, và bản thân họ không mong muốn tai nạn xảy ra.
Nhưng vấn đề ở đây là người vi phạm đã sử dụng chất kích thích khi điều khiển ô tô – được coi là một nguồn nguy hiểm cao độ. Luật cũng đã quy định người điều khiển phương tiện đặc biệt này đồng thời cũng phải có đủ sức khỏe cả về thể chất và tinh thần mới được tham gia giao thông.
Dù hiểu rất rõ điều này nhưng những lái xe này vẫn bất chấp, cố tình sử dụng ma túy, rượu bia để đưa mình vào trạng thái gần như mất kiểm soát. Họ vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông dù bản thân biết rất rõ là vô cùng nguy hiểm và bị nghiêm cấm. Đây là hành vi mà chúng ta phải lên án và rất cần xem xét lại điều luật chế tài.
Không thể xét xử một hành vi là “vô ý” khi thực tế là họ đã “cố ý” vi phạm. Ở đây giữa hành vi cố ý và hành vi vô ý pháp luật vẫn còn khoảng trống.
Điều 13 BLHS nêu rõ: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, người sử dụng chất kính thích, sau đó điều khiển phương tiện giao thông là quá nguy hiểm và hậu quả có thể gây chết người nên trong trường hợp này nhất thiết phải sửa luật theo hướng tội “Giết người”.
Có thể tội danh tại Điều 260 BLHS có lẽ chưa phù hợp với tính chất của hành vi nên không đủ sức răn đe mới dẫn đến ngày càng xảy ra nhiều các vụ tai nạn giao thông tông xe hàng loạt, làm chết nhiều người mà hầu hết đều do tài xế có dùng chất kích. Trong trường hợp này cần phải tách hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 260 (Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác) thành một chế tài khác hoặc dẫn chiếu về Điều 123 (Tội Giết người) nếu hành vi đó gây chết nhiều người.
Hiện nay việc quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người điều khiển phương tiện, đặc biệt là những phương tiện như xe tải lớn, xe containner chỉ là phần ngọn và cũng khó truy trách nhiệm, hiệu quả lại không cao.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải sửa luật đối với hành vi sử dụng chất khích thích trước khi điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ dẫn đến chết người thì phải bị xét xử theo tội danh “Giết người” mới đủ sức răn đe.