Hội thảo tham vấn: “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 5-9 có những thông điệp hết sức mạnh mẽ.
TS Nguyễn Đình Cung nói: Cách mạng 4.0 cần suy nghĩ, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu. Ảnh: CHÂN LUẬN
Sau khi điểm lại toàn diện các vấn đề về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất có lẽ là nhóm giải pháp về nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2030 .
Nội dung của giai đoạn này phải là vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế số, vừa phải tận dụng cơ hội cách mạng 4.0. “Giai đoạn này phải chấm dứt tình trạng "kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi" để biện minh cho sự kém cỏi, yếu kém” - ông Cung nói.
Theo ông Cung, chỉ có “thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”.
Với cách mạng 4.0, TS Cung nói cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu. Sự thay đổi phải bắt đầu từ tư duy, thể chế và hạ tầng. Nếu cứ tư duy thiếu thị trường như hiện nay thì sẽ đẩy cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo 4.0 ở lại.
TS Cung nói: “Khi hô hào người nước ngoài về Việt Nam thì trước tiên hãy tận dụng trí tuệ của người Việt trong nước. Nếu trí tuệ những người Việt trong nước chưa được tận dụng thì chừng đó đừng hy vọng nhiều vào tìm kiếm sự đóng góp của những người đang ở ngoài Việt Nam”.
Theo TS Cung, cần phải có chính sách giữ người tài ở lại Việt Nam chứ không phải đẩy họ sang Singapore. Khi ấy mới có cơ hội kéo những người tài khác về Việt Nam.
“Nếu những người tài vẫn rời Việt Nam ra đi, các doanh nghiệp start-up vẫn phải sang Singapore khởi nghiệp thì chưa thể kéo người tài ở nước ngoài ở Việt Nam. Huy động nguồn lực, người tài hãy tìm kiếm họ ở Hà Nội, TP.HCM hơn là nhìn họ từ Thung lũng Silicon” - TS Cung nói.
Hội thảo thu hút rất nhiều chuyên gia. Ảnh: CHÂN LUẬN
Trong giai đoạn ba năm tới đây, Viện trưởng CIEM đề nghị phải tìm động lực tăng trưởng mới. “Đầu tiên phải thúc đẩy cạnh tranh thông qua thực thi Luật Cạnh tranh, nhằm loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không phân bố nguồn lực vẫn là xin cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, sân sau - sân trước. Không có cạnh tranh thì đừng hy vọng có khoa học công nghệ để thay đổi, nâng cao hiệu quả kinh tế” - TS Cung nói.
Một nhóm giải pháp khác được đưa ra là “Nhà nước hãy hỗ trợ người thắng cuộc” bằng cách gỡ bỏ những rào cản, chính sách bất hợp lý; lựa chọn những dự án đầu tư tốt để hỗ trợ họ, đưa các dự án này vào thực hiện càng nhanh càng tốt.
“Phải xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, nên xóa bỏ độc quyền của Tổng Công ty Hàng không, mạnh dạn giao cho các hãng hàng không trong xây dựng cảng hàng không; cho phép, vận động và hỗ trợ hãng hàng không tư nhân xây mới hoặc đầu tư mở rộng sân bay hiện có. Nếu vẫn giữ như hiện nay, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng hàng không vẫn tái diễn” - TS Cung nêu cụ thể.
Đề cập tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sắp đi vào hoạt động, TS Cung nói rằng: “Hãy giao cho Ủy ban những nhiệm vụ đủ cao để chỉ những người tài mới có thể hoàn thành được, chứ không phải giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. Bởi nếu như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ sẽ khó có chất lượng. Thay đổi cách tiếp cận để loại bỏ các loại “C” (con ông cháu cha) được bổ nhiệm vào doanh nghiệp nhà nước”.
Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, vẫn theo Viện trưởng CIEM, cần phải tăng động lực kinh tế cho Hà Nội và TP.HCM. Bởi Hà Nội, TP.HCM chỉ cần tăng trưởng 1% thì kinh tế cả nước có thể tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm.