Trên thực tế, những nỗ lực cải cách đã làm cho quyền tự do kinh doanh lớn hơn, tạo an toàn hơn cho doanh nghiệp và người dân”. Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tại buổi tổng kết dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam ngày 23-6.
Tuy nhiên, TS Cung nhận định 30 năm cải cách khó nhưng không khó bằng giai đoạn hiện nay. Hiện nay cải cách khó hơn vì cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Do vậy Nhà nước phải thay đổi cách thức quản lý, nội dung quản lý, công cụ quản lý, bộ máy quản lý và thiết chế quản lý… theo hướng thị trường để thực sự là kiến tạo và hành động. “Chúng ta hay thấy quan hệ Nhà nước và thị trường vẫn còn tình trạng xin-cho, ban phát. Bằng chứng là việc rà soát điều kiện kinh doanh hồi tháng 7-2016 chưa thực sự triệt để. Chỉ khi nào thị trường trở thành yếu tố chủ yếu trong phân bố nguồn lực thì mới thay đổi và tiến tới hủy bỏ xin-cho trong cơ chế phân bổ nguồn lực” - TS Cung khẳng định.
Đồng tình, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nói: “Tôi cho rằng tái cơ cấu mới ở khởi đầu thôi chứ chưa thoát ra và tiến triển như chúng ta mong muốn. Còn về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khi chưa tái cơ cấu các nguồn lực thì chúng ta chưa thể nói được điều gì cả. Đến lúc này Việt Nam không thể chậm trễ trong cải cách vì đây là đòi hỏi nội tại. Đồng thời không thể chần chừ với nâng cao năng lực cạnh tranh bởi đây sẽ là thách thức sống còn cho cạnh tranh quốc tế” - TS Hồ nhấn mạnh.