Hoa hậu Diễm Hương từng nhập viện vì kiệt sức và hoảng loạn trước những lời bình luận ác ý trên mạng liên quan đến chuyện gia đình của cô. Bác sĩ của Diễm Hương lo lắng cô sẽ tự tử nên khuyên người nhà phải canh chừng.
Chia sẻ của cô đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều diễn giả tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội” do báo Thanh Niên tổ chức sáng 22-10.
Bên lề buổi tọa đàm, trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, hoa hậu Diễm Hương cho biết sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn cách đây 10 năm, cô lại gặp nhiều chuyện thị phi khác. Cô đã học được cách vượt qua nhưng những tổn thương đó đã khiến cô e dè với mạng xã hội (MXH). Cô cho biết khi biết luật pháp đã có quy định chế tài nghiêm đối với các hành vi vu khống, làm nhục người khác trên MXH, cô sẽ dùng pháp luật để bảo vệ mình khi cần thiết.
Không riêng Diễm Hương, nhiều hoa hậu khác đã bị tấn công bởi những tin đồn ác ý ngay sau khi đăng quang, mà tin đồn phổ biến nhất là… mua giải.
Hoa hậu Diễm Hương từng bị khủng hoảng đến mức nhập bệnh viện vì những lời ác ý trên mạng xã hội. Ảnh: H.MINH
Tại buổi tọa đàm, ThS Phan Văn Tú, GV khoa Báo chí - ĐH KHXH&NV TP.HCM cũng cho biết, ông là người khá cẩn trọng khi sử dụng MXH. Tuy nhiên, ông nhìn nhận rằng tin giả là một phần của hệ sinh thái MXH. Vấn đề là phải làm sao để giúp người sử dụng mạng nhận diện nó. Ông nói: “Một người bạn của tôi chụp chung với bạn bè trong một buổi họp lớp, trao nhau những cái ôm rất trong sáng. Nhưng một tấm ảnh trong số đó của một cán bộ được đăng lên MXH và chú thích khác đi, hư cấu nội dung khác. Cũng may là bạn bè đã “report” tấm ảnh đó. Nhưng quả thật là bây giờ ai cũng có thể là nạn nhân của thông tin bịa đặt”.
ThS Phan Văn Tú cho rằng ông quan sát thấy một số người nổi tiếng trên MXH có khả năng dẫn dắt dư luận. Một số người có khả năng viết lách, diễn đạt và dựa vào tâm lý đám đông nên thường hay chế biến tin sốc, bình luận gây sốc để duy trì sự nổi tiếng. Ngoài ra, nhiều người khác cố ý tung tin giả để đạt được mục đích xấu nào đó. Ông cho rằng ngoài công cụ pháp luật cần có thêm nhiều kênh và nhiều cơ quan tham gia việc giáo dục, cung cấp kỹ năng nhận diện tin giả và ứng xử văn minh trên MXH.
Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa hình sự - TAND TP.HCM) cho rằng pháp luật đã xác định các thông tin trên MXH là dữ liệu điện tử. Kể từ năm 2018 các dữ liệu đó được dùng để chứng minh và có thể là bằng chứng xử lý hình sự đối với những người có hành vi xâm hại tự do, nhân phẩm con người, làm nhục người khác, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết để định danh đầy đủ người dùng MXH để chủ thể đó có trách nhiệm với xã hội, thông tin mình đưa ra.
Bên cạnh việc nhờ các cơ quan chức năng can thiệp khi bị vu khống trên mạng, các bạn cần phải rèn luyện bản lĩnh để ứng phó với các thông tin xấu trên mạng. Mình đúng mà người ta nói sai thì… hãy mặc kệ tin đồn, càng tranh cãi càng mệt mà có khi chẳng đi tới đâu. Đạo diễn LÊ HOÀNG |