Chia sẻ của cô đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều diễn giả tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội” do báo Thanh Niên tổ chức sáng 22-10.
Hoa hậu Diễm Hương từng bị stress vì những lời bình luận ác ý. Ảnh: BCT
Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, TS Lê Thẩm Dương, đạo điễn Lê Hoàng, luật sư Vũ Phi Long - nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh, ThS Phan Văn Tú - giảng viên ĐH KHXH-NV TP.HCM, ông Trịnh Đình Khánh - GĐ điều hành Suzu Group, nhà báo - diễn giả Đỗ Hùng, nhà báo Hải Thành - Phó TBT báo Thanh Niên...
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng trong cuộc sống hiện nay, không ai có thể đứng ngoài sự tác động của thông tin từ mạng xã hội (MXH). Ông nói: "Tôi vẫn cho rằng con người ta có hai tai, một tai nghe báo chí và một tai nghe MXH". Luật sư Vũ Phi Long - nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM cho biết hiện nay pháp luật đã xác định các thông tin trên MXH là dữ liệu điện tử. Đây được coi là một chứng cứ pháp luật để xử lý những người có hành vi xâm hại tự do, nhân phẩm con người, làm nhục người khác, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ông nói: "Nhiều người cho rằng Facebook là ảo nhưng thực ra nó không ảo. Thực tế là đã có một số vụ vu khống, làm nhục người khác trên MXH đã được đưa ra xét xử. Kể từ 2018 các dữ liệu đó là dữ liệu điện tử dùng để chứng minh và có thể là bằng chứng xử lý hình sự". Theo LS Long, không chỉ những admin của Facebook viết bài, mà cả những comment vu khống, xúc phạm cũng có thể bị xử lý.
Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến chất lượng từ các chuyên gia và diễn giả. Ảnh: BTC
ThS Phan Văn Tú cho rằng ngoài quản lý hoạt động của công dân trên MXH bằng pháp luật, cần phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để người dân có năng lực tham gia MXH một cách văn minh, có kỹ năng tránh và loại trừ các loại rác trên MXH.