Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng bước nắn dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp... và giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10-21 và 30% từ tháng 10-22.
Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9-10% năm 2022. Vào tháng 4-22, để hạn chế đầu cơ bất động sản, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần giám sát thị trường thị trường trái phiếu do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán VNDirect, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 40% tổng giá trị phát hành trong quý 1-2022, với mức tăng trưởng mạnh mẽ 73,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát khung pháp lý với các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, đặc biệt là phát hành riêng lẻ.
Về phía NHNN sẽ thực hiện việc giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm và không có tài sản đảm bảo.
Do đó, VNDirect cho rằng: “Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các chủ đầu tư Việt Nam có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới”.
Tuy nhiên, tại Hội thảo: “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản", PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: “Cần khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nếu siết trái phiếu doanh nghiệp thì cũng nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một.
Theo ông Long, nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu, sẽ gây ra các 'cú sốc' cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.