Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 23-5, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng”.
Một nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ các đại biểu (ĐB) là dự thảo Nghị quyết lần này giao quyền cho Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch TP, điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Luật Quy hoạch quy định rất chặt chẽ, tránh tình trạng điều chỉnh bổ sung quy hoạch tùy tiện, hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Do đó, việc thí điểm giao thẩm quyền cho Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch TP mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra. Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc này.
Đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho chính quyền Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị. Việc này phải gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong nghị quyết.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ nhất trí việc cho phép Đà Nẵng được điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị. Việc này nhằm đảm bảo tính kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ.
“Nhất là phát huy lợi thế đất đai, nguồn lực đặc biệt lớn trong giai đoạn này để mời gọi thu hút đầu tư, tăng nguồn lực cho đầu tư và phát triển” - ĐB Vượt nói.
Tuy nhiên, ĐB Vượt lưu ý việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ nên đảm bảo nguyên tắc không phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
“Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu quy hoạch kể cả khi về hưu hoặc chuyển công tác, nhằm tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch nhiệm kỳ trước gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra” - ĐB Vượt nói.
Tiếp thu ý kiến các ĐB, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy hoạch của TP là quy hoạch rất quan trọng. Quy hoạch này phải được kiểm soát chặt chẽ, có thể không phân cấp.
Riêng quy hoạch cục bộ đô thị của TP là cấp dưới của quy hoạch TP, chịu sự điều chỉnh bởi quy hoạch TP. Quy hoạch này thường xuyên thay đổi, phát sinh trong quá trình phát triển.
“Hoàn toàn chúng ta có thể phân cấp được cho TP với quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ. Đó là vẫn phải có ý kiến Bộ Xây dựng và phải tuân theo Luật Quy hoạch, không được phá vỡ quy hoạch bên trên” - Bộ trưởng Dũng nói.
Ủy ban nhân dân hay Ủy ban hành chính? ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho hay việc bỏ HĐND quận, phường dẫn đến thay đổi cơ chế hình thành nên cấp UBND (quận, phường). Cấp UBND quận, phường mới sẽ do chính quyền cấp trên bổ nhiệm chứ không còn do HĐND cùng cấp bầu ra. Nếu xét về mặt logic thì gọi Ủy ban hành chính (UBHC) là phản ánh đúng chức năng và cơ chế hình thành. “Nhưng xét góc độ kinh tế, so sánh chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại, việc đổi tên UBND thành UBHC sẽ dẫn đến nhiều chi phí phát sinh từ phía Nhà nước và người dân, gây tốn kém không cần thiết như thay đổi giấy tờ, con dấu…” - ĐB Hiển nói. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: Sở dĩ dự thảo nghị quyết lần này vẫn chọn tên gọi UBND mà không phải UBHC là do Hiến pháp không quy định rõ khi không tổ chức HĐND thì ủy ban cùng cấp gọi là gì. Ngoài ra, UBND đã là lịch sử và tên gọi quen thuộc. Giờ đổi tên thì thay đổi toàn bộ cơ sở dữ liệu, các văn bản đã mang tên UBND quận, phường… rất tốn kém. Khi làm nghị quyết đã tính hết các phương án này. |