Nhiều ý kiến cho rằng có một nghịch lý, Nam bộ là khu vực có đóng góp ngân sách lớn nhất nước nhưng lại tỉ lệ nghịch với số km đường cao tốc của cả nước (chỉ chiếm khoảng 10%). Trong đó miền Tây Nam bộ chiếm con số ít nhất chỉ là 4%. Không chỉ cao tốc mà đường bộ, hàng không, đường thủy đều chưa phát triển đúng hướng, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có khiến giao thông nơi đây luônlà điểm nghẽn về phát triển kinh tế -xã hội.
Nói như một chuyên gia giao thông thuộc TrườngĐH Bách khoa TP.HCM: “Chỉ cần tăng 10% đầu tư hạ tầng khu vực trọng điểm phía Nam thì sức hút đầu tư phải tăng đến 24%, qua đó đời sống người dân tăng, kinh tế - xã hội cũng phát triển theo”.
Nam bộ “khát” hạ tầng giao thông là câu chuyện không phải mới và thực chất khu vực này cũng có những dự án giao thông “khủng” chưa được thực hiện. Nếu được hoàn thành thì sẽ hứa hẹn mang lại diện mạo hoành tráng cho khu vực. Trong đó nhiều dự án cũng đang được triển khai quyết liệt thời gian gần đây như chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cam kết 5-10 năm nữa giao thông khu vực này sẽ tốt hơn.
Trong thời gian người dân chờ đợi giao thông kết nối có diện mạo thật hoành tráng thì cũng có một thực tế ám ảnh họ. Đó là mỗi dịp lễ, tết, giao thông từ TP.HCM về miền Tây và ngược lại luôn trong trạng thái ùn ứ. Theo đó, người dân phải rồng rắn xếp hàng, nhích từng chút một trên con đường độc đạo mang tên quốc lộ 1.
Và cũng khổ thân con đường quốc lộ 1, vì mang tiếng là độc đạo nên mỗi dịp cao điểm phải oằn mình gánh hàng triệu xe qua lại và cũng đang già cỗi, xuống cấp từng ngày.
“Giai đoạn này là giai đoạn tập trung cho khu vực Nam bộ mà điển hình là giao thông về miền Tây” - lời khẳng định của một đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT). Mong rằng việc khẳng định ấy sẽ là tín hiệu vui mừng để nhanh chóng thực hiện và thỏa sự mong mỏi của người dân Nam bộ - những người mong chờ “con đường mới, cây cầu to” không khác gì ruộng lúa chờ mưa.
Như vậy các trục giao thông kết nối TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ hiện nay chỉ chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt; chỉ chờ đợi sự quan tâm, tập trung từ các cấp để nhanh chóng thực hiện.
Tất nhiên phát triển như thế nào, xây cầu ở đâu, làm đường cao tốc ra sao… là câu chuyện theo tính toán, theo quy hoạch của ngành giao thông, cũng không cần phải có cây đũa thần hay điều gì khác. Người dân chỉ cần tất cả cấp, ngành mà đặc biệt là ngành giao thông… quan tâm hơn đến sự mong mỏi, khao khát của người dân mà nhanh chóng xây cầu, làm đường. Đừngđể hành trình từ TP.HCM đi miền Tây luôn “khát” hạ tầng.