Ngày 7-8, một ngày sau khi cháu LHL, học sinh lớp Một, trường Gateway, (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong nghi do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông), Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/ thành trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật; ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô…
Cũng trong vai Phó Chủ tịch thường trực, Bộ trưởng Thể chỉ đạo chính Bộ mình phải: rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khoẻ cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vân tải; nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở….
Nội dung chỉ đạo hai Bộ GD và ĐT, GTVT tại văn bản trên là…giống nhau và hướng vào đối tượng quản lý lâu nay của Bộ GTVT là xe hợp đồng chạy dưới hình thức đưa đón học sinh.
Từ nhiều năm qua, vấn đề xe hợp đồng đưa đón học sinh ở tất cả các địa phương luôn… nhức nhối và rối tung lên vì không có chuẩn, tiêu chí từ chính Bộ GTVT. Có địa phương, trường giàu thì dùng loại xe khách từ dưới 16 chỗ, thùng kín, có máy lạnh. Nơi nghèo, trường khó thì dùng loại xe thùng hở (hở hai bên hông, hở lưng lửng cửa lên xuống phía sau) và dùng… máy nóng. Có nơi dùng cả loại xe quá đát để chở học sinh…
Tại nhiều tỉnh/thành như TP. HCM còn đánh tráo khái niệm coi xe thùng hở, dưới 12 chỗ đưa đón học sinh như là xe buýt, xe tham gia vận tải hành khách công cộng (theo chuẩn phải là xe thùng kín, từ 30 chỗ ngồi và đứng trở lên mới được coi là xe buýt) để… “cắn” vào trợ giá từ ngân sách.
Ai cũng biết, khi đi xe thùng kín, xe thùng hở, xe có máy lạnh hoặc máy nóng thì phải có những kỹ năng cơ bản như: không ở trong xe thùng kín có máy lạnh hoặc máy nóng quá lâu vì dễ bị ngợp, sốc nhiệt. Ngay cả khi ngủ trong ôtô đóng kín, bật điều hòa cũng dễ bị ngạt khí, bởi khi xe đóng kín cửa nổ máy, mức ôxy bên trong xe giảm, khí carbon monoxide do rò rỉ khí thải tăng lên. Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn nên người bị ngạt không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không được báo trước. Đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê, lịm dần và tử vong.
Ngay cả khi ngồi trong ôtô đóng kín mà để xe dưới bóng râm cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Nhiệt độ trong xe khi đóng kín sẽ cao gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt khi xe không nổ máy. Với cơ thể người, khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Trường hợp của cháu L. có thể do tình huống: ngủ quên, xe đậu, đóng kín cửa, bị sốc nhiệt… dẫn đến tử vong.
Với nhiều người, nhiều lái xe các kiến thức y học trên là cơ bản khi tham gia chở khách nhưng cho đến nay nó chưa nằm trong bộ câu hỏi thi lấy bằng lái xe của Bộ GTVT. Lại nữa các kỹ năng mở, đóng máy lạnh, mở cửa sổ xe, từ bên trong mở cửa chính thoát nạn; để tay chân ra sao không bị lòi, chìa ra ngoài thùng xe, lên xuống xe… cũng chưa nằm trong bộ đề học thi, lấy bằng lái xe và cũng chưa thành kỹ năng bắt buộc người lái phải truyền chỉ cho hành khách, nhất là với trẻ em…
Rõ ràng từ kỹ năng đi xe; kiến thức y học cho người lái, cho thầy cô dẫn học sinh đi xe; tiêu chuẩn của xe hợp đồng chuyên đưa rước học sinh, trẻ em; các quy định riêng về hợp đồng của loại xe chuyên chở học sinh… còn quá thiếu…. Những việc ấy lẽ ra phải được chính Bộ GTVT đưa ra từ nhiều năm trước khi mà loại hình xe đưa rước trẻ em, học sinh ngày càng phát triển.