Đừng để voi rừng Định Quán thành voi dữ Tánh Linh

(PLO)- Xung đột giữa người và voi đã lên đỉnh điểm và việc gây tiếng động lớn, đốt lửa đều không thể xua đuổi được đàn voi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, tại Đồng Nai, người dân phản ánh thấy voi rừng tìm xuống nương rẫy, nhà ở, khu dân cư... Đến ngày 8-4, thông tin về một người dân ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) bị voi rừng tấn công bị thương, voi dữ còn quật chết một con bò, giật sập chòi rẫy và phá nát một số hoa màu đã khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ.

Những lần xung đột người và voi

Đây là lần đầu tiên sau khi hàng rào điện có chiều dài 50 km thuộc dự án Khẩn cấp bảo tồn voi giai đoạn 2014-2020 được đưa vào vận hành ở Đồng Nai, voi đã lách qua điểm chưa có hàng rào chắn để tấn công người. Từ những mô tả của nạn nhân, nhiều khả năng con voi ngà lệch chính là thủ phạm tấn công người.

Người dân Suối Kiết (Tánh Linh, Bình Thuận) trước đây đào cả giao thông hào để tránh voi. Ảnh: PN

Người dân Suối Kiết (Tánh Linh, Bình Thuận) trước đây đào cả giao thông hào để tránh voi. Ảnh: PN

Trước đó, khi chưa có dự án hàng rào điện, ngày 7-11-2010, trong lúc cùng hai người vào rừng thuộc khu vực suối Đá Bàn (địa phận tiểu khu 1, Lâm trường 1, Công ty Lâm nghiệp La Ngà), em Nguyễn Trần Vũ (14 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã bị voi rừng bất ngờ tấn công, quật chết tại chỗ.

Voi ngà lệch rất cao lớn và hung dữ.

Voi ngà lệch rất cao lớn và hung dữ.

Cũng trong năm 2010, trên đường đi làm rẫy về đến Công ty Lâm nghiệp La Ngà, chị Lâm Thị Lan bị con voi rừng này dùng vòi hất ngã chị cùng chiếc xe đạp khiến chị bất tỉnh. Sau đó, con voi bỏ đi và chị may mắn thoát chết trong gang tấc.

Voi ở rừng Cát Tiên sau hàng rào lưới điện. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai

Voi ở rừng Cát Tiên sau hàng rào lưới điện. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai

Thời điểm trên, theo nhiều người dân sống ven rừng ở khu vực ấp 1, ấp 2, xã Thanh Sơn, cách duy nhất để tự vệ khi thấy voi xuất hiện là gõ xoong nồi gây tiếng động lớn hay đốt lửa để xua đuổi voi. Gần đây, kiểu xua đuổi “truyền thống” này đã không còn tác dụng. Khi tiếp cận nhà dân, ngoài giật sập nhà, voi còn ăn cả lúa gạo, phá nát nhiều vườn cây ăn trái.

Vì sao voi hung dữ?

Được biết con voi ngà lệch có dấu chân với đường kính khoảng 40-44 cm, ước tính nặng 4,5-5 tấn. Căn cứ vào dấu bùn trên lưng voi để lại trên các thân cây thì con voi này rất cao to.

Voi ngà lệch có dấu chân rất to. Ảnh PN

Voi ngà lệch có dấu chân rất to. Ảnh PN

Quá trình theo dõi, hiện trong rừng Cát Tiên có trên 20 con voi. Bộ NN&PTNT dự kiến đặt Trung tâm Bảo tồn voi hoang dã Việt Nam tại Đồng Nai.

Voi ngà lệch cũng là con voi chung đàn với bảy con voi bị chết khá bí ẩn từ tháng 7-2009 đến tháng 5-2010 tại hai huyện Định Quán, Vĩnh Cửu. Ngoài một con bị nước lũ cuốn trôi, hầu hết được cơ quan chức năng phát hiện trong bụng những con còn lại có hạt xoài (nghi vấn bị đầu độc bằng cách tẩm thuốc trừ sâu). Dư luận đang râm ran về việc “voi trả thù người”, song điều rất thật hiện nay ai cũng phải thừa nhận đó là xung đột giữa người và voi đã lên đến đỉnh điểm.

Nhiều khả năng voi ngà lệch là thủ phạm tấn công người. Ảnh TL

Nhiều khả năng voi ngà lệch là thủ phạm tấn công người. Ảnh TL

Hiện nay, áp lực biến động môi trường quá lớn bởi nạn phá rừng, hạn hán, không còn thức ăn nên voi đã thay đổi một số tập tính sinh học tự nhiên không ăn những thứ cỏ cây mà lại ăn hoa màu, lúa gạo.

Điều đặc biệt là trạng thái hệ thần kinh của đàn voi này quá dễ bị kích động. Điển hình là sau nhiều lần xung đột với con người như vấp phải lửa đốt, tiếng động lớn voi đã trở nên hung dữ, lì lợm hơn và xuất hiện thường xuyên ở những nơi con người sinh sống.

Đừng để xảy ra như đàn voi dữ Tánh Linh

Lật lại hồ sơ đàn voi dữ Tánh Linh (Bình Thuận) mới thấy sau khi rừng Tân Phú (Đồng Nai) bị thu hẹp, ngày 23-4-1999, đàn voi dưới sự dẫn dắt của con “hột xoài” đầu đàn di chuyển sang khu sản xuất của trại giam Z30A thì bị phát hiện. Gần một tháng sau khi vào Tánh Linh và xảy ra xung đột như vấp phải tiếng động lớn, lửa, “súng cối” của con người, chúng bắt đầu quật chết người đầu tiên.

Con voi ngà lệch từng băng sông qua địa bàn huyện Đức Linh, Bình Thuận phá hoại hoa màu. Ảnh PN

Con voi ngà lệch từng băng sông qua địa bàn huyện Đức Linh, Bình Thuận phá hoại hoa màu. Ảnh PN

Sau đó, đàn voi này đã thực hiện cuộc tấn công khi trong vòng hai năm làm 12 người mất mạng. Đến cuối năm 2001, chúng mới được di dời lên nhà mới là Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).

Riêng đàn voi ở Định Quán do con voi ngà lệch dẫn đầu, trước đây vẫn thường xuyên băng sông qua địa bàn huyện Đức Linh (Bình Thuận) phá nát hoa màu của người dân rồi sau đó rút về Đồng Nai. Từ khi có dự án hàng rào điện, đàn voi này ít thấy di chuyển và xuất hiện ở Bình Thuận hơn.

Một người dân Suối Kiết, Bình Thuận nhồi đất đèn là ""vũ khí'' để phòng voi tấn công

Một người dân Suối Kiết, Bình Thuận nhồi đất đèn là ""vũ khí'' để phòng voi tấn công

Đã đến lúc cần khẩn trương bít những lỗ hổng từ hàng rào điện; đã đến lúc cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ con người và bảo vệ cả đàn voi ở Định Quán. Nếu không nỗi ám ảnh về đàn voi dữ Tánh Linh năm nào sẽ tái hiện bởi xung đột người - voi ở Định Quán đã vượt quá giới hạn kiểm soát thông thường.

Bảo vệ voi và ngăn chặn tấn công người dân

Thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012, tỉnh Đồng Nai khởi động dự án bảo tồn voi tự nhiên giao Chi cục Kiểm lâm. Năm 2016, dự án bảo vệ bằng hàng rào điện tử mới được khởi công xây dựng dài 50 km dọc theo bìa rừng (từ xã Mã Đà và Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu đến một phần của xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và sau một năm hoàn thành dự án.

Sau khi đánh giá được hiệu quả của hàng rào điện, năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đề xuất làm thêm 25 km hàng rào điện tử để khép kín lại. Tuy nhiên, do giải phóng mặt bằng nên đến đầu năm 2022 mới khởi công xây dựng, đến giờ tạm ổn, đang thi công. Hy vọng đến giữa năm xong, bảo vệ được 19.000 ha đất canh tác nông nghiệp và 60.000 người dân ở khu vực quanh rừng. Ngoài việc xây dựng và vận hành, bảo trì với chiều dài 75 km đường rừng rào điện mỗi năm khoảng 3 tỉ đồng.

Giải pháp rào điện tử là giải pháp tạm thời xung đột giữa người và voi, về lâu dài phải có nhiều giải pháp khác. Không có sự vào cuộc của cộng đồng người dân ở khu vực ven rừng, trong rừng có voi sinh sống thì không giải quyết được vấn đề gì. Trách nhiệm, hưởng lợi từ việc bảo tồn đó, voi và người chung sống với nhau, một phía không được.

Ông VIỆT DŨNG, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm