Một đứa trẻ mới lớn thường có nhu cầu tự khẳng định cao, cái tôi được thổi phồng lên. Đứa trẻ mới lớn như Hào Anh ngoài những điều bình thường đó còn có thêm quá khứ nghèo khó và ảo tưởng từ việc nhận được số tiền quá lớn thì cái tôi càng có dịp vẫy vùng. Đó là chưa kể đến những tác nhân xấu như cách hành xử không khéo của người mẹ khi can thiệp quá sâu vào quan hệ yêu đương của con trai.
Khi nghe chuyện Hào Anh, một chuyên gia tâm lý đã giật mình rằng may mà thằng nhỏ đã không đánh đập cha mẹ hoặc bạo hành ai đó bởi tâm lý con người là thường cho đi cái gì mình đã nhận. Trong quá khứ, Hào Anh không được giáo dục cẩn thận, bị thiếu vắng tình thương, bị những vết hằn giày xéo tuổi thơ… Tất cả điều đó còn nằm âm ỉ đâu đó trong đầu Hào Anh và đến một lúc nào đó nó cần được giải tỏa. Đáng tiếc thay là Hào Anh đã giải tỏa một cách tiêu cực. Việc dọa đuổi cha mẹ ra khỏi nhà có thể cũng đã là cú sốc đối với Hào Anh, chính em cũng không ngờ tới.
Điều đáng mừng là em đã nhận sai lầm của mình và muốn đón nhận cha mẹ trở lại với thái độ xin lỗi, ăn năn. Chính quyền địa phương cũng đã thiết lập một hệ thống đèn đỏ từ xa để nhắc nhở rằng nếu bạn tái phạm là chúng tôi răn đe ngay. Nhưng quan trọng hơn, cần có người bạn lớn từ phía chính quyền để theo sát em, giúp em nhận ra những diễn biến tâm lý bất thường của mình mà điều chỉnh, biết đặt mình vào vị trí người khác để cảm thông cho cha mẹ. Đừng để thêm một lần nữa chúng ta vuột mất cơ hội giúp Hào Anh trở thành người tốt.
THANH MẬN