HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chính thức trở thành HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam và U-22 Việt Nam. Trước và sau khi HLV này nhậm chức, từ quan chức VFF đến giới truyền thông đang đổ dồn và “ban tặng” một cách thiếu chừng mực cho HLV này. Nào là VFF sẽ biệt đãi hết cỡ cho HLV Hữu Thắng; nào là ông Thắng sẽ nhận lương khủng như thầy ngoại; thậm chí là HLV đội tuyển Thái Lan Kiatisak và bóng đá Thái đang ngại các đội tuyển Việt Nam khi HLV Hữu Thắng huấn luyện...
Nguy hiểm với suy nghĩ sắp vô địch Đông Nam Á rồi
Một nhà chuyên môn nhìn vào sự kiện HLV Hữu Thắng lên làm HLV trưởng đã chia sẻ rằng ông có cảm giác như VFF lẫn số đông dư luận đang có cảm giác phấn khởi quá đà cứ y như là chúng ta sắp vô địch Đông Nam Á đến nơi rồi.
Nói Thái Lan sợ chúng ta khi thấy HLV Hữu Thắng nhận lời làm HLV trưởng là sự tưởng tượng quá đà và đánh giá quá thấp nhà vô địch AFF Cup lẫn SEA Games. Chắc chắn HLV Hữu Thắng khi nghe được những thông tin trên cũng không hề vui tí nào. Bởi hơn ai hết HLV Hữu Thắng biết rằng càng đưa ông lên khi trong tay ông chưa có gì thì cũng có nghĩa là càng đặt ông vào thế khó.
Hãy giúp HLV Hữu Thắng làm tốt công việc của mình thay vì trao chỉ tiêu rồi cứ xem như sắp vô địch rồi. Ảnh: QUANG THẮNG
Vấn đề của VFF bây giờ sau bản hợp đồng tìm được HLV nội để ký kết là phải giúp HLV Nguyễn Hữu Thắng cập nhật thông tin cũng như hiểu thật rõ các đối thủ của Việt Nam như các đội tuyển của Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia… một cách chính xác. Đừng phó mặc tất tần tật cho HLV Hữu Thắng rồi trông chờ vào chung kết AFF Cup hay vô địch SEA Games 2017.
Thay vì hân hoan hoặc phấn khởi quá đà theo kiểu Thái Lan đang sợ chúng ta thì hãy tìm hiểu kỹ từng đối thủ và xác định chỉ tiêu giao cho HLV Hữu Thắng là rất nặng nề. Nên nhớ lịch sử các đời HLV Việt Nam kể cả các thầy ngoại tên tuổi, chưa ai ký hai năm mà nhận hai chỉ tiêu cao một vào chung kết (đội tuyển), một vô địch (SEA Games) như thế.
Nhìn nhận đúng mình để có chiến lược đúng
Nên lấy một so sánh riêng với Thái Lan để giúp HLV Hữu Thắng chạy nước rút thay vì nghĩ là chúng ta sắp vô địch. Đó là đội U-23 Thái Lan dù cũng bị loại khỏi vòng bảng châu Á sau ba trận như U-23 Việt Nam tại Qatar vào cuối năm 2015 nhưng đó là một thế hệ quá xuất sắc. Họ chỉ bị loại vì thua hiệu số bàn thắng bại và trong đó có đến 2/3 đội hình còn đủ tuổi U-22 dự SEA Games 2017. Quan trọng hơn là lứa cầu thủ đấy đã trải qua quá nhiều giải quốc tế chất lượng. Tương tự như thế là đội tuyển quốc gia của họ.
Riêng xét về HLV Kiatisak và HLV Hữu Thắng thì Kiatisak vẫn nhiều thuận lợi hơn do nhiều năm nay đã nắm hai đội tuyển quốc gia dự nhiều giải quốc tế chất lượng còn HLV Hữu Thắng thì chưa có kinh nghiệm.
Nét mới của HLV Hữu Thắng là được chọn êkíp làm việc cho mình. Còn với HLV Kiatisak thì LĐBĐ Thái Lan thuê cả ê kíp chuyên gia Đức hỗ trợ phụ trách công tác nâng sức mạnh, nâng thể lực cho cầu thủ Thái Lan.
Còn nhớ ngày 8-10-2015, khi bóng đá Việt Nam còn đang lên mây sau khi hòa Iraq trong thế thắng thì HLV Kiatisak cùng “hùa” theo đưa đội tuyển Việt Nam “lên mây” bằng những lời khen tặng đầy tính xã giao. Nhưng song song đó là HLV này bày ra kế hoạch đánh bại đội tuyển Việt Nam ngay tại Mỹ Đình.
Kết quả là năm ngày sau, ngày 13-10-2015, thầy trò Kiatisak đã thắng đậm đội tuyển Việt Nam 3-0 bằng một lối chơi phối hợp nhỏ, nhuyễn đậm chất kỹ thuật với bàn thứ ba được thực hiện sau 17 cú chạm bóng.
Cần phải nhìn vào thực tế thời điểm hiện nay HLV Kiatisak có xuất phát điểm lợi hơn rất nhiều so với HLV Hữu Thắng. Vì thế, đừng vội hồ hởi Kiatisak và bóng đá Thái Lan sợ đội Việt Nam có Hữu Thắng.
Chưa kể ngoài Thái Lan thì Myanmar cũng đang nuôi và “ém” một thế hệ song hành cùng U-19 Việt Nam từng vào bán kết U-19 châu Á và sau đó đi dự World Cup U-23. Giải đấu mà lứa trẻ Myanmar chỉ chịu thua các đội tuyển U-19 Mỹ, U-19 Ukraina…
Không nên đặt HLV Hữu Thắng ngồi vào hai cái ghế đầy thách thức trên rồi cứ thế mơ những giấc mơ mà quên đi những yếu tố cần và đủ để giúp HLV Hữu Thắng hoàn thành chỉ tiêu.