Đây là một hướng dẫn bổ sung hoàn toàn phù hợp với pháp luật về dân sự. Bản chất ở đây phải hiểu là chỉ ghi tên “những thành viên khác trong hộ gia đình có chung quyền SDĐ hoặc/và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Nhiều người không lưu tâm tới ý này mà hiểu đơn giản là ghi tên chồng, tên vợ xong phải ghi tất cả người trong hộ lên GCN. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai với bản chất của hướng dẫn. Đây là những nhầm lẫn về nhận thức khá tai hại. Một PV hôm trước cũng có sai lầm này khi trao đổi với tôi. Thực ra Thông tư 33 chỉ bắt ghi đủ mọi người có chung quyền thôi.
Có PV hỏi tôi tại sao lại phải bắt ghi thêm như vậy trong khi trước đây chỉ ghi tên vợ và tên chồng? Sự thực ghi như trước đây là chưa đủ, nhất là khi có người con nào đó cũng cùng cha mẹ tạo nên nhà đất chung. Một khái niệm “hộ gia đình” chung chung, không chi tiết làm cho khó xử lý nhiều khiếu kiện trên thực tế.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giải quyết nợ xấu bằng giải pháp cho phép phát mại tài sản bất động sản thế chấp tại các ngân hàng. Nhiều trường hợp không thực hiện được vì trên GCN ghi là quyền SDĐ của “Hộ gia đình ông… và bà…” nên các con vin vào từ “hộ gia đình” để chứng minh họ có quyền ở đó mà không cho phép bán bất động sản đã thế chấp. Khi pháp luật đã quy định rõ phải ghi đủ tên người có chung quyền thì chỉ ai có tên trên GCN mới có quyền đối với bất động sản đó.
Trên thực tế triển khai cũng xuất hiện những bất cập nhất định mà cần những quy định chi tiết hơn. Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cứ ai là thành viên trong hộ mà có tên trong quyết định giao đất thì phải ghi lên GCN cho đủ. Trường hợp này dễ giải quyết.
Đối với trường hợp nhận chuyển quyền bất động sản trên thị trường, khi đó căn cứ nào để xác định ai trong hộ có quyền đối với bất động sản đó là vấn đề phức tạp cần được đặt ra. Chỉ người ký hợp đồng mua bất động sản và vợ hoặc chồng người đó xác nhận là đủ hay phải có xác nhận của tất cả thành viên trong gia đình? Theo pháp luật dân sự thì phải cần bản xác nhận có chữ ký của tất cả thành viên của hộ gia đình. Hơn nữa, càng phức tạp đối với các gia đình trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” hay những ai vài lần ngồi xe hoa mà có “con anh, con tôi, con chúng ta”. Người dân e ngại chính là ở chỗ này, nhiều khi tới mức bất khả thi trên thực tế. Nếu không hướng dẫn cụ thể, các địa phương có thể sẽ thực thi khác nhau, thậm chí làm khó cho dân.
Tất nhiên, cũng có cách làm cho vấn đề đơn giản hơn. Người nhận chuyển quyền nhà đất đừng xin cấp GCN cho hộ gia đình mình nữa mà xin cấp GCN cho bất động sản chung của hai vợ chồng. Lúc đó sẽ thoát khỏi thuật ngữ “hộ gia đình” làm vướng víu mọi chuyện. Cách làm này phù hợp pháp luật đất đai, pháp luật dân sự và cả pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về hôn nhân và gia đình.