Ngày 26-5 tới đây, đơn vị thi công sẽ bắt đầu đào ngầm đoạn metro số 1 từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP bằng robot TBM (còn gọi là khiên đào hầm ngầm). Công nghệ này đang gây không ít tò mò cho người dân.
Con robot lớn nhất
Các chuyên gia cho biết về cơ bản robot TBM là một máy khoan nằm ngang, gồm một ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, có động cơ làm quay tròn để cắt đất. Sau khi đào từng đoạn ngắn, vỏ hầm (là các tấm bê tông cốt thép lắp ghép) được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sạt lở lớp đất, đá phía trên.
Vừa qua, hai nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là ga Nhà hát TP và ga Ba Son (gói thầu 1b) thi công theo phương pháp đào hở. Còn đoạn đường hầm dọc bên hông Nhà hát TP, đi theo đường Nguyễn Siêu, dài khoảng 781 m sẽ được khoan bằng loại robot này.
Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết con robot TBM dùng đào đoạn trên được đưa về từ Nhật Bản, có chiều dài 70 m, nặng 300 tấn, đường kính đào là 6,79 m, lớn nhất Việt Nam.
Mũi khoan robot TBM có đường kính gần 6,79 m, dài 8,30 m đã được đưa xuống lòng đất. Ảnh: LĐ
Đoạn ngầm metro số 1 từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP. Ảnh: TG
Chọn đào ngầm vì nền đất yếu…
Các chuyên gia cho hay có hai công nghệ đào hầm đang áp dụng tại Việt Nam. Một là công nghệ đào hầm cổ điển, sử dụng biện pháp khoan nổ, dùng bê tông phun để chống đỡ kèm theo hệ chống neo đá, neo đất...
Công nghệ thứ hai hiện đại, đa năng hơn là TBM (Tunnel Boring Machine) có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển. TBM có độ an toàn cao, thân thiện môi trường hơn nhiều so với NATM vì không làm rung động, chấn động do nổ mìn.
Robot TBM được dùng ở tuyến metro số 1 có những ưu điểm nổi trội, như thi công dưới mặt đất nên không tốn diện tích phục vụ thi công và hầu như không làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng trên mặt đất. Địa chất khu vực đoạn metro đi qua là nền đất yếu nên dùng loại robot này sẽ tránh được tình trạng mũi đào bị chìm, lặn như đã gặp ở một số công trình trước đây.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, robot TBM sẽ khoan 12 m đường hầm/ngày. Sau khi khoan được 1,2 m, đơn vị thi công sẽ lắp đặt sáu tấm bê tông làm vách hầm xong mới khoan tiếp. Những ngày qua, các bộ phận của máy khoan TBM được lần lượt đưa từ hố mở trên mặt đất, tại khu vực nhà ga Ba Son xuống dưới lòng đất ở độ sâu 17 m để lắp ráp lại...
Khoảng 2,6 km metro chạy ngầm dưới đất Dự án metro tuyến số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài khoảng 19,7 km (trong đó có 2,6 km đoạn ngầm và 17,1 km đoạn trên cao), 14 nhà ga (ba nhà ga dưới mặt đất và 11 nhà ga trên cao). Tuyến Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro được xây dựng đầu tiên, nằm trong hệ thống các tuyến metro, tàu điện (ước tính sáu tuyến) sẽ được xây dựng theo quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM. Công ty CP FECON được liên danh nhà thầu Shimizu-Maeda lựa chọn tham gia vận hành trực tiếp thiết bị khoan TBM. Để chuẩn bị cho lễ vận hành, ngay từ tháng 2-2017, các chuyên gia, kỹ sư và công nhân FECON đã tham gia vào quá trình hạ và lắp đặt máy TBM tại nhà ga Ba Son. |