Đúng, sai chuyện bị phạt vì chỉ điểm chốt CSGT

Ngày 4- 3, Công an TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) triệu tập anh Phan Văn Trung (trú phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) để làm rõ việc anh Trung lập nhóm Zalo để chỉ điểm CSGT làm việc để người có dấu hiệu vi phạm luật giao thông biết và né tránh.

Bị phạt 5 triệu vì chỉ điểm để né chốt

Theo Công an TP Hà Tĩnh, việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định 100 đã góp phần đảm bảo trật tư an toàn giao thông. Tuy nhiên, cạnh nỗ lực của CSGT thì một số đối tượng đã thành lập các hội nhóm, diễn đàn trên mạng để chỉ điểm nhằm né chốt CSGT.

Qua làm việc, anh Phan Văn Trung đã khai nhận hành vi lập nhóm Zalo hoạt động ở chế độ công khai để các thành viên đăng tải nhiều nội dung, thông tin báo chốt, chỉ điểm những vị trí mà lực lượng CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn.

Từ đó, Công an TP Hà Tĩnh đã xử phạt hành chính anh Trung 5 triệu đồng. Căn cứ là điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện). Cụ thể, anh Trung có hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Ngày 6-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,một lãnh đạo Công an TP Hà Tĩnh cho biết anh Trung không khiếu nại quyết định xử phạt hành chính. Việc xử phạt đã được nghiên cứu kỹ và đã tham khảo những địa phương khác. Công an TP Hà Tĩnh không phải đơn vị đầu tiên xử phạt hành vi này mà nhiều địa phương họ đã xử lý rồi.

Anh Trung (phải) làm việc với Công an TP Hà Tĩnh. (Ảnh do công an cung cấp)

Có vi phạm đâu mà xử phạt?

Tuy nhiên, một thẩm phán TAND TP.HCM cho rằng việc áp dụng điều khoản tại Nghị định 174/2013 như trên để phạt anh Trung là không đúng. Vì anh này không có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân nào. Giả sử anh Trung có dùng tài liệu của lực lượng CSGT để thông báo cho người khác nhưng không phải tài liệu mật thì cũng không vi phạm.

Muốn nói anh Trung có vi phạm hay không phải đánh giá hành vi đó có bị pháp luật cấm hay không. Trong khi hiện nay chưa có quy định nào cấm người dân thông báo cho nhau biết CSGT có lập chốt ở chỗ này hay chỗ kia. Hoạt động của CSGT cũng công khai nên việc thông báo như trên không vi phạm bí mật nhà nước. Do đó, hành vi trên không vi phạm pháp luật và không thể bị xử phạt.

Theo vị thẩm phán, nếu mục đích của anh Trung nhằm báo cho mọi người đừng uống rượu, bia vì nơi này hay nơi kia đang có CSGT thì đây là việc làm tốt chứ không phải là xấu. Việc thông báo này chỉ vi phạm khi anh Trung báo cho người khác tránh chốt CSGT bằng hành vi bất hợp pháp, trái pháp luật.

Luật sư-TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng không đủ căn cứ để xử phạt anh Trung. Vì CSGT tuần tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông là hoạt động công khai, mọi người đều có quyền biết. Không thể xử phạt hành vi của một người đăng tải thông tin về một hoạt động công khai của cơ quan nhà nước. Nói cách khác, việc đưa thông tin về các địa điểm lập chốt của CSGT không cần phải có sự đồng ý của lực lượng CSGT.

Việc người dân cảnh báo trước cho người khác về hoạt động tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông cũng là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức tuân thủ giao thông. Mục đích là để người khác biết và chấp hành tốt các quy định giao thông. Cạnh đó, pháp luật không có quy định cụ thể về mục đích của hành vi thông báo chốt CSGT như thế nào thì mới gọi là sai.

Luật sư Trạch dẫn chứng: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số 41:2016/BGTVT quy định một số loại biển báo công khai có chốt kiểm tra, có chốt CSGT để cảnh báo cho người tham gia giao thông.

Cụ thể: Biển I.436 “Trạm cảnh sát giao thông”: Để chỉ dẫn nơi đặt trạm CSGT. Thấy biển này, các phương tiện phải giảm tốc độ đến mức an toàn và không được vượt khi đi qua khu vực này.

Biển P.129 “Kiểm tra”: Để báo nơi đặt trạm kiểm tra; các loại phương tiện vận tải qua đó phải dừng lại để làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Ngoài ra, biển cảnh báo “Đoạn đường thường xuyên có CSGT kiểm tra tốc độ” cũng có thể dễ bắt gặp trên đường. Do đó, việc áp dụng điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử phạt các trường hợp như anh Trung là chưa thuyết phục.

Nguyên lãnh đạo một viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng chỉ có thể xử phạt nếu người loan tin thông tin không đúng sự thật về việc CSGT đang làm nhiệm vụ. Anh Trung trong vụ việc này chỉ lập nhóm trên mạng để thông báo rằng khu vực đó có CSGT thì không vi phạm pháp luật. Hành vi này cũng không vi phạm bí mật quốc gia hay an ninh quốc phòng. Do đó, việc xử phạt như trên là chưa chuẩn, dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền, không đúng với tinh thần của nghị định.

Vụ tương tự bị lập biên bản

Ngày 21-2, Công an TP Đà Nẵng đã mời làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính hai chủ tài khoản  của hai trang trên Facebook chuyên báo chốt đo nồng độ cồn của CSGT TP Đà Nẵng. Cụ thể là ông NĐC (32 tuổi, chủ tài khoản trang “Chốt KT nồng độ cồn Đà Nẵng”) và ông NHD (39 tuổi, chủ tài khoản trang “Nồng độ cồn Đà Nẵng!”).

Tại cơ quan công an, hai ông thừa nhận ngày 6 và 7-1, họ lập hai trang trên và hoạt động ở chế độ công khai, thường xuyên để các thành viên đăng tải nhiều nội dung, thông tin báo chốt, chỉ điểm CSGT và lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Hai ông này đã bị công an lập biên bản vi phạm hành chính về việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật theo điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013. Hiện chưa có thông tin về quyết định xử phạt với hai ông này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm