Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, dự thảo chưa có chế định đối với giao dịch dân sự “ngầm” đang phổ biến trong xã hội hiện nay là đứng tên giùm bất động sản và động sản có đăng ký. Thực tế hiện nay, có tòa coi là giao dịch hợp pháp, có tòa tuyên vô hiệu.
Ông Thành đưa ra một vụ việc cụ thể là bà B. ở quận Cái Răng (Cần Thơ) trước khi đi xuất cảnh nước ngoài có 2.500m2 đất, bà ủy quyền cho người cháu ở nhà đứng tên giùm bà trên mảnh đất này.
Sau khi làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người cháu bán luôn mảnh đất này. Bà B. về nước khởi kiện người cháu đòi lại mảnh đất. Lần đầu tòa sơ thẩm xử buộc người cháu trả lại đất, tuyên giao dịch bán đất của cháu bị vô hiệu, công nhận giao dịch ủy quyền của bà B.
Sau đó tòa phúc thẩm hủy án. Xử sơ thẩm lần hai, tòa tuyên người cháu không phải trả đất mà trả bằng tiền là 1,2 tỉ đồng. Người cháu kháng cáo, tòa phúc thẩm bác yêu cầu của bà B vì giao dịch ủy quyền đứng tên trên giấy tờ đất là bất hợp pháp, tức là bà B mất trắng luôn…
Cũng giao dịch ủy quyền đứng tên giùm trên giấy tờ đất thì ở Tiền Giang có một vụ phải xử đi xử lại sáu lần, cuối cùng tòa tuyên người em (nhận ủy quyền) phải trả lại cho người anh giá trị mảnh đất đã đứng tên giùm anh.
“Làm sao phải đưa vào Bộ Luật Dân sự sửa đổi lần này loại hình giao dịch đứng tên giùm bất động sản, động sản có đăng ký (nhiều nhất là nhà đất và ô tô) vì đây đã thành giao dịch phổ biến trong xã hội để có quy định cho thống nhất” -ông Thành góp ý.
Về chế định thừa kế, ông Thành đề nghị nên bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện vì quyền khởi kiện là quyền của công dân nên không thể buộc họ phải kiện trong một thời gian nào đó. Theo ông Thành, luật hiện hành quy định thời hiệu 10 năm đã dẫn tới rất nhiều vụ tranh chấp di sản thừa kế nan giải, có vụ ông tham gia kéo dài qua 12 lần xử trong 28 năm mà vẫn chưa xong.
Cùng quan điểm này, ông Trần Minh Trị - Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Cần Thơ - cũng đề nghị nên bỏ thời hiệu thừa kế vì quyền thừa kế là quyền đương nhiên về tài sản. Theo ông Trị, có nhiều vụ vì vướng thời hiệu nên chuyển sang chia di sản chung. Trường hợp này pháp luật buộc phải có sự thống nhất chia của các đồng thừa kế nhưng có một người không công nhận đó là di sản chung và không muốn chia thì vụ án cũng rơi vào bế tắc.
Cạnh đó, ông Thành cũng góp ý, về quy định thanh toán tiền di sản cho người bảo quản tài sản mà không phải là người thừa kế, dự thảo không nói định lượng cụ thể giống như luật hiện hành. Chính quy định này khiến cho tòa muốn phán thế nào thì phán, thẩm phán muốn tuyên thế nào cũng được. Như vậy thì không nên mà cần phải quy định rõ trong luật.