Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp tại TP.HCM, nhiều phụ huynh rất ngại đưa con trẻ đến các bệnh viện (BV), phòng khám để điều trị khi trẻ em mắc các chứng bệnh thường gặp. Phần lớn các phụ huynh đều cho rằng nếu vào BV thời điểm này sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Chính vì sợ lây nhiễm nên một số bậc phụ huynh đã tìm đến “bác sĩ Google” khi thấy con mình có những biểu hiện của bệnh như viêm phế quản, viêm đường ruột… để tự mua thuốc điều trị. Theo chuyên gia y tế, việc điều trị như vậy là không nên và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Tự điều trị bệnh cho con mùa dịch
Hai ngày nay, đứa con trai hơn một tuổi của chị Nguyễn Thu Hằng, ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, có những biểu hiện ho, sốt và cổ họng sưng. Trước đây, con của chị Hằng cũng từng có những biểu hiện như trên và đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán bị viêm amidan.
“Vì tình hình dịch bệnh đang căng quá, nếu giờ mà đưa bé vô BV thì sợ bị lây nhiễm COVID-19. Hơn nữa, hiện tại bé đang bị ho, sốt sợ vô đó bác sĩ yêu cầu test COVID-19 thì tội bé. Thấy biểu hiện bệnh cũng giống như những lần bệnh trước nên tôi lấy toa thuốc mà bác sĩ kê bệnh lần trước ra nhà thuốc mua cho bé uống. Tôi cũng thường xuyên tra trên Google để có thêm kiến thức, nếu bé có những biểu hiện bất thường mà biết cách xử trí” - chị Hằng chia sẻ.
Chị Bảo Ngọc, ở phường 7, quận Gò Vấp, cho biết vừa rồi, con chị bị thương ở đầu phải vô BV cấp cứu khâu lại vết thương. Trước khi khâu vết thương, BV yêu cầu hai mẹ con phải xét nghiệm COVID-19. Sau khi điều trị xong vết thương, bác sĩ dặn một tuần sau đến trạm y tế phường cắt chỉ vì vào BV lúc này nguy hiểm.
“Sau một tuần, tôi ra trạm y tế phường để cắt chỉ nhưng nhân viên ở đây cho biết trạm giờ đang quá tải vì chống dịch và xét nghiệm COVID-19 nên hướng dẫn tôi tìm các phòng khám xung quanh để thực hiện. Tìm mãi không thấy phòng khám nào mở cửa nên tôi lên Google tìm hiểu cách cắt chỉ vết thương, sau đó ra nhà thuốc mua dụng cụ, thuốc về nhà tự làm cho con. Tôi biết làm cách này không an toàn, chứ giờ đi ra đường cũng sợ dịch bệnh” - chị Ngọc nói.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không nên điều trị bệnh bằng cách tra Google
Trao đổi với PV, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện nay, tất cả bệnh nhi và người nhà bệnh nhi khi đến khám, điều trị thì phải qua khâu sàng lọc, điều tra dịch tễ theo quy trình hướng dẫn của ngành y tế. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân có ở trong khu phong tỏa, cách ly hay không, có xét nghiệm chưa… Nếu các người thân và bệnh nhi có nguy cơ sẽ được tách ra xét nghiệm trước. Sau đó, các bác sĩ sẽ tách ra từng nhóm bệnh để thăm khám, điều trị. Với nhóm bệnh về hô hấp thì các bác sĩ điều tra dịch tễ một lần nữa và tiến hành khám, điều trị bệnh.
Tuy nhiên, những trường hợp cấp cứu thì được chuyển vô phòng cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ luôn mặc đồ bảo hộ, cấp cứu xong thì mới điều trị dịch tễ.
Cũng theo BS Khanh, đối với những trường hợp cần nhập viện thì bệnh nhi sẽ được đưa đến một khu riêng làm xét nghiệm COVID-19 và nếu âm tính thì mới chuyển vô điều trị nội trú. Vào điều trị nội trú, tất cả nhân viên, thân nhân, bệnh nhi mỗi một tuần sẽ được xét nghiệm COVID-19 một lần. Hiện nay, quy trình này được thực hiện chặt chẽ để bảo vệ bệnh nhân nội trú.
Đối với những bệnh nhi nặng thì nên vào BV để được thăm khám điều trị kịp thời, chứ không thể vì sợ COVID-19 mà ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Riêng đối với những bệnh nhẹ thì nên tìm đến những bác sĩ chuyên khoa để nhờ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị và sẽ cho lời khuyên có cần đi BV không.
Cần lưu ý các phụ huynh không nên dùng toa thuốc cũ để cho trẻ uống, bởi cơ thể của trẻ sẽ thay đổi theo thời gian và cũng có thể những triệu chứng giống nhau nhưng bệnh khác nhau và chỉ có bác sĩ có chuyên môn mới biết.
“Tuyệt đối không nên điều trị bệnh bằng cách tra Google, bởi trẻ em khi bệnh sẽ có những chuyển biến rất nhanh. Nếu chữa trị không đúng cách thì diễn biến bệnh của trẻ càng xấu hơn” - BS Khanh lưu ý.
Hàng ngàn bác sĩ tư vấn bệnh online trong mùa dịch Do TP đang thực hiện giãn cách, người dân khám chữa bệnh trong mùa dịch cũng khó khăn. Ngoài ra, vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều cơ sở y tế đóng cửa khiến cho người bệnh gặp khó. Nhằm giúp người dân có một kênh tư vấn bệnh trong mùa dịch, tôi đã trực tiếp kêu gọi đồng nghiệp hỗ trợ giúp bệnh nhân hoặc tư vấn online. Khi tham gia nhóm, các y, bác sĩ sẽ ghi số điện thoại, chuyên khoa và khu vực mình ở lên Facebook, Zalo để người bệnh cần có thể gọi ngay lập tức. Phương thức khám chữa bệnh online có thể là những lời tư vấn cần thiết, giúp bệnh nhân tự xử lý tại nhà hoặc bác sĩ đến thăm khám tại nhà người bệnh. Hiện nay nhóm “Giúp nhau mùa dịch” đã có sự tham gia của hàng ngàn bác sĩ sẵn sàng online hỗ trợ người dân có nhu cầu khám chữa bệnh. Trong nhóm có rất nhiều bác sĩ ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cũng sẵn sàng online để tư vấn cho người bệnh trong những ngày TP.HCM giãn cách. Nhóm chuyên khoa có đầy đủ các bác sĩ chuyên ngành xương khớp, ung thư, nhi, sản khoa, tai mũi họng, bệnh truyền nhiễm, nhãn khoa cho đến da liễu, cấp cứu… BS PHAN XUÂN TRUNG, Trung tâm y khoa MEDIC TP.HCM |