Đừng viện cớ cách tân mà làm nhục cải lương

Sau khi bôi bẩn vở cải lương Tô Ánh Nguyệt, Trấn Thành đưa ra lời xin lỗi nhưng lại cho rằng hành động của mình là muốn làm mới, muốn khôi phục lại cải lương đang lụi tàn. Cùng với sự nổi giận, giới cải lương còn lo lắng suy nghĩ sai lệch của Trấn Thành cũng như nhiều người về cách tân cải lương sẽ làm mai một cải lương trong cách nhìn của giới trẻ.

Soạn giả Hoàng Song Việt: “Cách tân như Trấn Thành là thảm họa”

Vấn đề cách tân sân khấu cải lương để phù hợp với sự phát triển của xã hội không phải bây giờ vấn đề này mới được đặt ra, cũng không phải bây giờ những soạn giả, đạo diễn sân khấu mới nghĩ đến. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghệ thuật được hình thành bằng trăn trở, bằng nhiệt tâm của những người làm nghề, dù phải đối đầu với những lời chỉ trích, những phản ứng tiêu cực của dư luận từ khi nó mới là dự án. Những cách tân trong lối viết của anh Lê Duy Hạnh như Cổ tích thời hiện đại, Rồng Phượng, những tìm tòi, sáng tạo trong dàn dựng của đạo diễn Trần Ngọc Giàu trong Chiến binh, Rồng Phượng hay phục dựng Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, đạo diễn Hoa Hạ tìm cái mới trong Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga… Đó là những sự tìm tòi đổi mới cực kỳ nghiêm túc và hết sức trách nhiệm.

Bất cứ một vở diễn, bộ phim, quyển sách, bài nhạc hay một bài thơ nào đó đều có nhiệm vụ chung là truyền tải một thông điệp nào đó đến người thưởng thức. Vậy tôi muốn hỏi những gì mà êkíp Tô Ánh Nguyệt remix đã làm muốn truyền tải thông điệp gì đến người xem? Nếu gọi đó là sự “cách tân”, là muốn “khôi phục cải lương”, muốn “lôi kéo khán giả về với cải lương” như Trấn Thành nói thì… đúng là một thảm họa! Các vị quá xem thường khán giả cải lương hay các vị cho rằng văn hóa nền của khán giả cải lương đã xuống quá thấp đến mức tồi tệ như vậy. Bởi trong văn học, dù là văn học bình dân cũng không thể có những lời lẽ như “Ai kêu tui đó, mặt chó tui đây”, “Nguyệt, anh nhớ… chim em”… Là một người của cải lương, tôi mang ơn lắm lắm nếu như các vị mang cái gọi là “cách tân” kiểu đó ra khỏi thánh đường cải lương của chúng tôi càng xa càng tốt.

Ca sĩ Hà Phương và diễn viên điện ảnh - kịch nói Lương Thế Thành được khen ngợi trong một trích đoạn cải lương hồ quảng.

NSND Trần Ngọc Giàu: “Phải hiểu cải lương là gì rồi mới làm mới”

Tất cả sự luôn thay đổi, tự làm mới ở cải lương đều nghiêm túc, chuyên nghiệp, có ý thức và chỉ dám nói đó là sự thử nghiệm. Bởi muốn làm mới cái gì thì trước nhất phải hiểu nó là cái gì, nó như thế nào đã chứ không bao giờ là cái sự cảm tính, làm méo mó, bôi bác cải lương rồi gọi là làm mới cả. Vấn đề là mình làm sao cho có cải lương hay và giữ được hồn cốt cải lương vì đến nay cải lương đã định hình được những giá trị cốt lõi nhất như cái hồn của câu ca và tính trữ tình chân phương trong lời ca, lối diễn.

Trở lại vấn đề của Trấn Thành, đúng là anh ta có nhiều người hâm mộ để xem nếu anh ta diễn cải lương. Nên nếu yêu quý cải lương Trấn Thành hãy ca diễn Tô Ánh Nguyệt thật hay để người xem thấy sao mà cải lương hay quá. Không thể đem vở Tô Ánh Nguyệt thay đổi tùy tiện, thô thiển rồi bảo là làm mới, muốn khôi phục cải lương. Một tác phẩm kinh điển của một tác giả đã định hình giá trị rồi thì nó luôn cần phải được tôn trọng.

Soạn giả Vương Huyền Cơ: “Yêu cải lương thì đừng làm biến dạng nó”

Cải lương lụi tàn bởi vì nhiều nghệ sĩ chưa thật sự tâm huyết với cải lương, bởi nhiều vở diễn vô cùng hời hợt, cẩu thả. Không cần cách tân, làm mới gì hết, hãy trả cải lương về nguyên vẹn như nó vốn có từ mấy mươi năm về trước. Cải lương đặc biệt vì nó khác biệt, đừng làm nó na ná kịch, na ná phim… Hãy yêu cải lương như nó vốn có. Vậy thôi.

Với Trấn Thành, lời xin lỗi của anh ta có nói muốn làm mới cải lương chỉ là ngụy biện. Tôi chưa bao giờ nghe bên Nhật đòi cách tân Kịch Nô, Trung Quốc đòi cách tân Kinh Kịch. Nếu thật sự tâm huyết với cải lương thì đừng làm biến dạng nó, bản thân chữ “cải lương” đã có ý nghĩa về sự đổi mới rồi.

Cải lương đã luôn được làm mới

Bản thân cải lương luôn luôn có sự thay đổi. Đến giờ chắc không ai trong nghề dám nói mình làm mới cải lương vì tự bản thân cải lương luôn làm mới nó. Những năm 1950, xuất hiện việc đưa tân nhạc vào cải lương với thể loại tân cổ giao duyên. Rồi nhiều kỹ xảo, cảnh trí tân kỳ cũng được cải lương sử dụng trong phần hình thức. Những năm gần đây đạo diễn Hoa Hạ đưa hình thức sân khấu quảng trường quy mô vào cải lương với các vở Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga. Cải lương bây giờ thiên về sử dụng lý, nhiều bài bản viết mới… Nói về hài, có nhiều vở cải lương hài hoặc trong mỗi vở cải lương ở bất kỳ thể loại tâm lý xã hội, cổ tích, lịch sử… đều có những lớp hài riêng. Thậm chí cải lương còn có vọng cổ hài với các giọng ca qua nhiều thế hệ như Văn Hường, Hề Sa, Thanh Nam… Luôn tự làm mới, luôn thay đổi như thế, trải qua bao sàng lọc thì cái gì hay, cái gì thích hợp sẽ còn ở lại với cải lương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới