Đừng xử án trên hồ sơ

Một thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xử án dân sự ở TP.HCM cho biết cách để giải quyết án chính xác, hợp tình hợp lý, tạo điều kiện cho khâu thi hành án (THA) là thẩm phán không nên chỉ “xử trên hồ sơ” mà phải chịu khó xác minh thực tế: “Xuống tận nơi với những gì tai nghe mắt thấy, lúc ấy sự đánh giá chứng cứ và niềm tin nội tâm của thẩm phán sẽ được củng cố hơn nhiều”.

Sự thật khác suy đoán

Vị thẩm phán này kể cách đây không lâu, có hai cha con kéo nhau ra tòa tranh giành căn nhà trị giá 200 triệu đồng, ai cũng bảo mình bỏ tiền xây. Sau khi làm việc, ông rất băn khoăn về chuyện người cha đã 60 tuổi, “khi chết tài sản cũng để lại cho con chứ có mang theo được đâu”, phải chăng người con ăn ở có lỗi nên người cha mới quyết liệt tranh giành như thế?

Để giải đáp nghi vấn, ông đã xuống tận địa phương tìm hiểu và bất ngờ là mọi thứ không như ông nghĩ. Đúng là đất thì của cha mẹ nhưng căn nhà do chính người con bỏ tiền tích cóp ra xây để mấy mẹ con có chỗ chui ra chui vào chứ lúc trước nhà dột nát lắm. Bà con lối xóm cho hay người cha này đã bỏ vợ con, theo bồ đi nơi khác sinh sống từ lâu, mỗi lần về là một lần đòi vợ chia tài sản...

“Nhờ đó tôi mới có căn cứ tuyên án đúng đắn. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ thì có thể đã gây oan ức cho người con mà đằng sau anh ta còn mẹ và các em, mặt khác bản án không hợp tình, hợp lý thì sẽ rất khó THA” - vị thẩm phán nói.

Bà Trần Thị Man mới tháo dỡ ván gỗ của căn nhà thì đã bị UBND phường 1 (quận Gò Vấp, TP.HCM) quy kết sửa chữa, cải tạo không đúng nội dung giấy phép. Ảnh: P.THƯƠNG

Xử án công tâm

Việc thẩm phán đi xác minh thực tế thể hiện sự cần mẫn, quyết tâm đi tìm sự thật để có phán quyết công bằng, đúng pháp luật nhất chứ không đơn thuần chỉ để bản án thi hành được hay không. Chẳng hạn như vụ việc dưới đây.

Năm 2010, bà Trần Thị Man được UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) cho phép cải tạo, sửa chữa gác gỗ hiện hữu, cải tạo nội thất trong nhà theo hiện trạng cũ, nâng mái cao 7 m so với hẻm hiện hữu, cải tạo lại tường. Sau đó trong lúc bà Man đang tháo dỡ phần ván gỗ thì chủ tịch UBND phường 1 ra quyết định đình chỉ thi công vì cho rằng bà đã sửa chữa, cải tạo không đúng với nội dung giấy phép.

Bà Man khiếu nại quyết định trên và được phường đối thoại. Phường cho rằng bà Man cải tạo tăng diện tích tầng hai so với chủ quyền nhà là 2,4 m2, phường đã lập biên bản đề nghị khắc phục nhưng bà không thực hiện nên mới ra quyết định đình chỉ. Trong khi đó, bà Man trình bày rõ rằng bà chỉ mới tháo dỡ phần ván, chưa hề có động thái sửa chữa nào, không biết phường dựa trên cơ sở nào để biết tương lai bà sẽ làm sai phép mà đình chỉ thi công.

Cuộc đối thoại bất thành, bà Man khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của chủ tịch UBND phường 1 và buộc phải bồi thường cho bà gần 100 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã bác yêu cầu của bà Man.

Bà Man kháng cáo. Thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP.HCM đã xuống tận nhà bà thực địa. Bà Man kể: “Vị thẩm phán cứ đi ra đi vào căn nhà, nhìn xung quanh rồi đề nghị cán bộ phường, thanh tra xây dựng giải đáp các thắc mắc. Ông ấy cật vấn các cán bộ rằng “nhà của người ta chưa đầy 19 m2, có đáng để các anh phải hành đến tận hôm nay không?”. Ông ấy còn đề nghị thư ký lập biên bản và ghi rõ hiện trạng căn nhà. Lúc ấy tôi thấy “hạ hỏa” và nhẹ nhõm vô cùng”.

Sau buổi thẩm định ấy, tháng 11-2012, Tòa Hành chính TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã nhận định hiện trạng căn nhà đang trong tình trạng tháo dỡ, chưa cải tạo sửa chữa, mặt tường bên ngoài của căn nhà còn nguyên trạng thẳng từ dưới đất lên đến mái nhà. Như vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính của thanh tra xây dựng phường phản ánh bà Man cải tạo, sửa chữa tăng diện tích tầng hai lên đến 2,4 m2so với chủ quyền nhà là không đúng.

Từ đó tòa chấp nhận kháng cáo của bà Man, hủy quyết định hành chính của chủ tịch UBND phường 1. Với yêu cầu đòi bồi thường, do cấp sơ thẩm chưa xem xét nên tòa đã tách phần này ra để bà Man yêu cầu chủ tịch UBND phường 1 bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cần cái tâm của người thẩm phán

Theo Thẩm phán Trương Việt Hồng (Chánh án TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM), việc thẩm phán không đi xác minh mà chỉ xử dựa theo hồ sơ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là lượng án quá nhiều, dẫn đến thẩm phán làm việc quá tải. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan là thẩm phán thiếu trách nhiệm dẫn đến xác minh không đầy đủ, không xem xét vụ án toàn diện.

“Điều 89 BLTTDS quy định thẩm phán có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ. Trên thực tế có đương sự giấu tài liệu, thông tin bất lợi cho mình, nếu thẩm phán không chịu xác minh mà chỉ ngồi tại chỗ tuyên dựa trên hồ sơ sẽ dẫn đến bản án không sát thực tế, không thể thi hành. Có những sai sót của bản án mà tòa không thể giải thích được, buộc cấp trên phải kháng nghị hủy” - Thẩm phán Hồng cho biết.

Ngoài việc xác minh, Thẩm phán Hồng còn cho rằng trong phần quyết định của bản án, thẩm phán phải dùng câu từ rõ ràng bởi nếu thiếu thận trọng thì không những tòa mất thời gian mà đương sự và các cơ quan liên quan khác cũng bị ảnh hưởng. “Cán bộ ngành nào cũng cần có cái tâm. Nhưng đặc thù của tòa là cầm cán cân công lý nên đòi hỏi thẩm phán không được qua loa mà phải cân nhắc tỉ mỉ từng chút một trong suốt vụ án” - Thẩm phán Hồng nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ) cho hay khi ông còn làm thẩm phán, trong những lần tập huấn của ngành đều có yêu cầu thẩm phán đi thẩm định tại chỗ để tránh tình trạng xử sai. “Nếu thẩm phán ngại xác minh mà chỉ chăm chăm vào hồ sơ các đương sự cung cấp thì rất dễ bỏ sót những chứng cứ quan trọng không có trong hồ sơ” - luật sư Nhàn nói.

Trách nhiệm của tòa

1. Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế.

2. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan THA dân sự.

Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

3. Trả lời kiến nghị của cơ quan THA dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

(Trích Điều 179 Luật THA dân sự)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới