Mới nghe có vẻ hợp lý nhưng đề xuất này liệu có ổn? Vì nếu thế thì quyết định hành chính của chủ tịch tỉnh, của bộ trưởng, thậm chí của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì ai xét xử? Chẳng lẽ phải đưa ra Quốc hội xử sao! Tại sao không nghĩ là nếu tòa án cấp huyện có nể nang hay vì “sợ” lãnh đạo chính quyền cùng cấp mà xử sai luật thì người khởi kiện còn có quyền kháng cáo để tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm?
Chuyện thẩm phán “sợ” lãnh đạo chính quyền có tính “lịch sử”. Vì từ trước đến giờ, mọi người đều quan niệm tòa án chỉ là cơ quan ngang cấp phòng ở huyện, cấp sở ở tỉnh và cấp bộ ở trung ương.
Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến “tòa án độc lập” hay nguyên tắc “độc lập” của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Trong các cuộc hội thảo khoa học, nhiều chuyên gia còn đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm cho thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng điều này cũng chỉ dừng lại ở những ý kiến của các chuyên gia, còn thực tế thì vẫn còn nhiều lực cản khiến cho nguyên tắc hiến định này thường bị vi phạm.
Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, các bộ luật tố tụng đều nêu nguyên tắc “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nhưng thực tế thì nguyên tắc này thường bị vi phạm. Đã có thẩm phán “thử” không chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo địa phương thì lập tức bị trả giá. Nặng thì không được xét tái bổ nhiệm, đề bạt, nhẹ thì cũng bị thuyên chuyển đến vùng sâu, vùng xa. Nói là “ra tòa thì bộ trưởng cũng là đương sự” nhưng xử án hành chính mà xử cho chính quyền nơi mình công tác và sinh sống thua kiện thì không biết điều gì sẽ đến!
Ở các nước tổ chức bộ máy nhà nước theo thuyết “tam quyền phân lập”, nếu các quan chức thuộc cơ quan hành pháp, kể cả tổng thống mà can thiệp vào công tác xét xử của cơ quan tư pháp (tòa án) thì đó là điều cấm kỵ. Ví dụ, ở Mỹ, Úc, Nhật, Thái Lan…, bộ trưởng hay một thành viên của chính phủ chỉ cần gọi điện thoại cho thẩm phán can thiệp vào một vụ án nào đó thì lập tức vị này sẽ phải điều trần trước hạ viện (Quốc hội) và có thể bị mất chức như chơi.
Về lý thuyết, các chuyên gia cho rằng nếu thẩm phán không độc lập thì không mang lại công lý cho người dân. Hoặc muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải bảo đảm độc lập tư pháp, phân rõ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực thi, dù bất kỳ ai đều phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý.
Có một thực tế là một số tòa án cũng… không muốn mình “độc lập”, vì như vậy ít nhiều sẽ làm khó cho mình khi phải sang UBND “xin” kinh phí mua sắm trang thiết bị, chi cho các hội nghị tổng kết, các lớp tập huấn nghiệp vụ, tiếp khách và nhiều khoản chi khác!Nhiều tòa án địa phương quan hệ tốt với lãnh đạo chính quyền cùng cấp thì việc chi tiêu cũng “xông xênh” hơn.
Ở nhiều nước, thẩm phán hoàn toàn không “dính” đến chính quyền địa phương. Lương của thẩm phán nhận từ trung ương, việc lựa chọn thẩm phán thực sự là những người có hiểu biết pháp luật, có tâm, có sự liêm chính và được bổ nhiệm suốt đời hoặc nhiệm kỳ rất dài. Thẩm phán không phải lo quan tỉnh này, huyện kia gây khó cho mình hoặc gia đình mình. Còn ở ta, nhiệm kỳ của thẩm phán chỉ có năm năm; việc bổ nhiệm, tái nhiệm, đề bạt trong các tòa án cũng phải có ý kiến của cấp ủy địa phương, ý kiến của HĐND, của mặt trận và phải thông qua một hội đồng tuyển chọn mà tòa án chỉ là một thành viên…
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định“Xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, Hiến pháp 2013 cũng như Luật Tổ chức TAND đã quy định rất cụ thể, khắc phục những khiếm khuyết trong việc tổ chức hệ thống tòa án. Nếu trước đây tòa án tổ chức theo đơn vị hành chính thì nay được tổ chức thành bốn cấp không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm (Điều 5 Luật Tổ chức TAND năm 2014).
Việc Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định tất cả ngạch thẩm phán từ sơ cấp đến tối cao đều do chủ tịch nước bổ nhiệm không phải là mới. Trước đây cũng đã có thời gian quy định như vậy nhưng bây giờ gắn với nguyên tắc tổ chức hệ thống tòa án không phụ thuộc vào đơn vị hành chính thì việc quy định chủ tịch nước bổ nhiệm tất cả thẩm phán là biện pháp bảo đảm cho thẩm phán “độc lập”.
Vấn đề có tính quyết định là các cơ quan nhà nước, những người có thẩm quyền có nhận thức và chấp hành nghiêm quy định của Hiến pháp và pháp luật hay không!