Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng nay, 24-8, các đại biểu HĐND TP đã bầu ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - làm Chủ tịch UBND TP.
Ông Mãi được bầu làm chủ tịch UBND TP.HCM khi ông không là đại biểu HĐND của TP này. Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?
Ông Phan Văn Mãi đắc cử chức Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC
Theo ThS Lưu Đức Quang, giảng viên môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM thì ngày 23-5, cử tri TP.HCM đi bầu đại biểu HĐND khóa X của TP và kết quả đã có 94 người trúng cử.
Trong khi đó, ông Mãi được điều động từ Bến Tre về TP.HCM nhận nhiệm vụ mới vào ngày 1-6 nên chắc chắn ông Mãi không phải là đại biểu HĐND của TP.HCM.
Theo khoản 3 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND; Chủ tịch UBND được bầu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu HĐND; Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
“Tại kỳ họp thứ 1 của HĐND TP.HCM, diễn ra vào ngày 24-6, ông Phong đã tái đắc cử chức danh Chủ tịch UBND TP.HCM khi đang là đại biểu HĐND. Sau đó, ông Phong được điều động nhận trọng trách mới vào ngày 20-8.
Tuy ông Mãi chưa phải là đại biểu HĐND TP khóa X trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng đây là kỳ họp thứ 2 (tức trong nhiệm kỳ của HĐND) nên việc ông Mãi được bầu làm Chủ tịch TP thay cho ông Phong là hoàn toàn bình thường và đúng luật”, ThS Lưu Đức Quang cho biết.