Được nộp tiền “chuộc” công trình sai phép

“Công trình xây sai phép, không phép được tồn tại nếu phù hợp quy hoạch và nộp phạt 40%-50% giá trị phần xây sai phép, không phép” - Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm trong trật tự xây dựng (thay thế Nghị định 23/2009) đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến.

Thiết kế quá an toàn cũng bị phạt

So với Nghị định 23, dự thảo lần này quy định nhiều hành vi vi phạm mới nhằm phù hợp với những nội dung tại các nghị định vừa được ban hành trong lĩnh vực xây dựng (như Nghị định 64/2012 về cấp phép xây dựng, Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình hay Nghị định 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị).

Cụ thể, việc “thiết kế an toàn quá mức cần thiết đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước” hay “phê duyệt phương án thi công không hợp lý, tính toán cự ly vận chuyển không phù hợp làm tăng chi phí xây dựng đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước” sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Sở dĩ có điều khoản trên là do Nghị định 15/2013 quy định cơ quan có thẩm quyền phải thẩm tra tính hợp lý trong thiết kế công trình vốn ngân sách nhằm chống lãng phí.

Việc nộp phạt để nhà ở, công trình xây sai phép, không phép được tồn tại có những quan điểm khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

Nộp “tiền chuộc” để tồn tại

Đáng chú ý, dự thảo cho phép công trình sai phép, không phép được điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình sai phép, không phép nhưng “không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp lại một phần số lợi bất hợp pháp có được. Số tiền nộp lại tương đương 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với nhà ở tại đô thị. Đối với dự án, tỉ lệ này là 50%.

Thời gian qua, việc xử lý các công trình sai phép theo nguyên tắc “xây sai là tháo dỡ, lố tầng là cắt ngọn” rất hiếm được thực hiện. Các cao ốc xây sai phép tại TP.HCM như dự án đảo Kim Cương (quận 2), cao ốc BMC (quận 1)… gần như được tồn tại toàn bộ công trình với lý do tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình.

Các cơ quan có thẩm quyền cũng cho hay rất khó xử khi phải “trảm” các tầng xây lố nếu công trình vẫn phù hợp quy hoạch, không lấn chiếm chỉ giới… Bởi việc buộc tháo dỡ trong trường hợp này gây lãng phí xã hội quá lớn, trong khi chủ đầu tư đập xong vẫn có thể xin phép xây dựng lại theo đúng nội dung đó. Tuy nhiên, nếu cứ cho tồn tại thì lại không có cơ sở pháp lý cũng như khó nhận được sự đồng thuận từ nhân dân.

“Dùng tiền đổi vi phạm?”

Tuy nhiên, có hai luồng quan điểm trái ngược về quy định trên. “Tôi không hiểu nổi tại sao lại đặt ra việc nộp tiền là được đổi lấy vi phạm?” - ông Lê Đình Tú, Giám đốc Công ty Nhà Bình Dân, bày tỏ. Theo ông Tú, cơ quan nhà nước chỉ nên xem xét yếu tố quy hoạch để quyết định đập hay cho tồn tại. “Nếu xét thấy được tồn tại thì Nhà nước cho tồn tại, còn không phải kiên quyết tháo dỡ chứ không có tình trạng lửng lơ”.

Một chuyên gia xây dựng cũng cho rằng nếu cho hợp thức hóa công trình sai phép, không phép bằng việc nộp tiền thì không còn trật tự, kỷ cương. “Yếu tố then chốt là thế nào mới phù hợp quy hoạch? Hiện nay đã có khu vực nào của TP công bố chiều cao tối đa được phép hay chưa mà chỉ toàn thỏa thuận, tức xin-cho. Nếu công trình xây lố thỏa thuận này thì có phù hợp quy hoạch hay không cũng chẳng ai biết. Hoặc nhà ở riêng lẻ, người dân lấp lỗ thông tầng nên bị tăng thêm diện tích, buộc họ phải nộp một nửa tiền của phần này là quá lớn và vô lý” - ông nhận xét.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, lại cho rằng giải pháp này chấp nhận được. “Trong xây dựng có những tình huống mà đến lúc thi công mới phát hiện cần thay đổi thiết kế thì các công năng mới sử dụng được hợp lý, từ đó dẫn tới xây sai phép. Tuy nhiên, phải cho chủ đầu tư một khoảng thời gian để điều chỉnh giấy phép xây dựng mà không bị nộp phạt. Sau khoảng thời gian này, nếu chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện thì rõ ràng cố ý vi phạm, khi đó phải phạt nặng” - ông đề nghị.

Tăng mức tiền phạt

Theo dự thảo, hành vi xây dựng sai phép, không phép bị tăng mức phạt tiền so với Nghị định 23. Theo đó, nhà ở tại đô thị xây không phép bị phạt 10-15 triệu đồng; xây sai phép bị phạt 10-20 triệu đồng (trước đây phạt 5-10 triệu đồng). Trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng bị phạt tiền 50-60 triệu đồng. Chủ đầu tư thi công dự án sai thiết kế bị phạt 40-50 triệu đồng.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới