Được tranh luận trong phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính

(PLO)- Thẩm phán tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không được hạn chế thời gian tranh luận của các bên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân (TAND).

Pháp lệnh năm 2014 bộc lộ nhiều hạn chế

Tại cuộc họp báo, Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, cho hay sau tám năm triển khai thi hành, Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ

Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ

Ông Nguyễn Trí Tuệ dẫn chứng việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập và làm việc của người bị xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, chung chung.

Cạnh đó, Pháp lệnh năm 2014 thiếu quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chưa quy định việc tổ chức phiên họp trực tuyến; đặc biệt là thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên.

Ngoài ra, Pháp lệnh năm 2014 cũng không cho đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo…

Theo Phó Chánh án Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục không quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Tại cuộc họp báo, các PV đã đặt nhiều câu hỏi cho cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND Tối cao, để làm rõ những điểm mới đáng chú ý của pháp lệnh vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua thay thế cho pháp lệnh năm 2014.

PV báo Pháp Luật TP.HCM đề nghị làm rõ hơn quy định về trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của pháp lệnh vừa được thông qua.

Trả lời về điều này, Vụ trưởng Vụ pháp chế TAND Tối cao Nguyễn Chí Công, cho hay pháp lệnh quy định người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền.

Vụ trưởng Vụ pháp chế TAND Tối cao Nguyễn Chí Công

Vụ trưởng Vụ pháp chế TAND Tối cao Nguyễn Chí Công

Theo ông Nguyễn Chí Công, việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác.

“Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại”- ông Công nói thêm.

PV cũng đề nghị làm rõ vì sao pháp lệnh không quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đáp lại, Vụ trưởng Vụ Pháp chế TAND Tối cao nhấn mạnh bản chất đây là xử lý vi phạm hành chính, được thực hiện qua cơ chế tư pháp tại tòa án vì liên quan đến quyền con người. Do đó, việc quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phù hợp, không bảo đảm nhanh chóng, kịp thời.

Ông Nguyễn Chí Công cũng giải thích thêm rằng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính rất ngắn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là ba tháng, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là sáu tháng hoặc một năm.

“Tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh năm 2014 thấy rằng các TAND thực hiện rất tốt và không phát sinh vướng mắc. Ban soạn thảo, tổ biên tập đã bàn thảo rất kỹ và thống nhất tiếp tục kế thừa quy định của pháp lệnh năm 2014, không quy định nội dung này”- vẫn theo lời ông Công.

“Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn”

Tại cuộc họp báo, PV báo Pháp luật Việt Nam hỏi: Khoản 4 Điều 21 pháp lệnh có quy định “Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn”. Vậy quy định này thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Công cho hay phòng họp thân thiện, an toàn đã được quy định tại Thông tư số 01 năm 2017 của TAND Tối cao về phòng xử án. Theo đó, khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà người bị đề nghị là người chưa thành niên, tòa án sẽ tổ chức tại phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế TAND Tối cao mô tả phiên họp được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn. Người dưới 18 tuổi được ngồi cạnh người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, bàn, ghế được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm