Thông qua pháp lệnh mới về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị cũng như chất lượng của dự thảo pháp lệnh; đủ điều kiện để thông qua tại một phiên họp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi).

100% thành viên UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo pháp lệnh; giao các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo cũng như các thủ tục để trình Chủ tịch QH ký ban hành trong tháng 12-2022. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-2-2023.

Người chưa thành niên cần được ưu tiên bảo vệ tại tòa

Tại tờ trình gửi UBTVQH, TAND Tối cao xin ý kiến về hai nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có quy định chỉ định luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Kế thừa quy định của pháp lệnh hiện hành, khoản 4 Điều 2 dự thảo quy định trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu đoàn LS phân công tổ chức hành nghề LS cử LS; trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, LS thực hiện trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay vấn đề này đang có hai loại ý kiến, trong đó đa số tán thành với quy định trên của dự thảo. Ý kiến này cho rằng dù đây là vi phạm hành chính nhưng người chưa thành niên bị hạn chế quyền tự do theo phán quyết của tòa án và trình tự, thủ tục áp dụng tương tự như trong thủ tục tố tụng hình sự. Việc giữ nguyên quy định chỉ định LS tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là phù hợp, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

TAND Tối cao nhất trí với đa số ý kiến và thể hiện như dự thảo trình UBTVQH.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, ý kiến khác lại đề xuất bỏ quy định nói trên do không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Luật LS: “LS có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu”. Theo đó, LS chỉ tham gia tố tụng trong “các vụ án” mà không bao gồm các loại việc khác.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay ủy ban này cơ bản tán thành với TAND Tối cao và cho rằng người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại tòa án.

Bà Nga cũng lưu ý việc chỉ định LS trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được pháp lệnh hiện hành quy định và thi hành ổn định tám năm qua, không có vướng mắc.

“Nếu không quy định việc chỉ định LS thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ nếu không thuộc diện trợ giúp pháp lý” - bà Nga nói.

Thể hiện sự ủng hộ quy định của dự thảo, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ dẫn Điều 37 Công ước quốc tế quyền trẻ em nêu “mọi trẻ em bị tước tự do có quyền được nhanh chóng tiếp cận sự trợ giúp pháp lý và những trợ giúp thích hợp khác”.

Theo ông Huệ, Quy tắc 15.1 Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên cũng nhấn mạnh nội dung này.

Từ đó, người đứng đầu QH khẳng định quy định trên của dự thảo “không mâu thuẫn gì với pháp luật hiện hành”, đồng thời nhấn mạnh điều này phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Dự thảo pháp lệnh có chất lượng cao

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị cũng như chất lượng của dự thảo pháp lệnh.

“Phải nói là rất tốt và cho đến nay tôi thấy giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cơ bản thống nhất với nhau hết các nội dung” - ông Vương Đình Huệ nói.

Theo ông Huệ, có đủ điều kiện để UBTVQH thông qua dự thảo pháp lệnh tại một phiên họp, thay vì cần tổ chức thêm một phiên họp khác như dự tính ban đầu.

Công an nơi nào lập hồ sơ, tòa án nơi đó xem xét, quyết định

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị làm rõ điểm b khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định: “TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm thì có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

“Chúng tôi đề nghị phải làm rõ TAND cấp huyện nào, bởi vì quy định chung như thế này chưa thực sự chính xác, có một số hành vi sẽ khó xác định” - bà Oanh phát biểu.

Theo bà Oanh, thực tiễn có những hành vi vi phạm được đối tượng thực hiện ở nhiều địa phương (như các vi phạm về an ninh mạng). Khi đó, nhiều tòa án cấp huyện ở các địa phương đều là nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm. Do đó, cần phải có quy định cụ thể để thống nhất trong việc áp dụng sau này, trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại nhiều địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất tòa án có thẩm quyền xử lý có thể là TAND cấp huyện nơi thực hiện hành vi cuối cùng.

Giải đáp sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói ông hiểu Bộ Tư pháp đề nghị phải ghi rõ tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi xảy ra vi phạm hay tòa án nơi người vi phạm cư trú.

“Ở đây, có thể nói rõ hơn là tòa án nhận hồ sơ. Nhiều trường hợp sống ở tỉnh, TP khác nhưng vào TP.HCM lang thang mà vi phạm. Công an ở đâu lập hồ sơ thì tòa án nơi nhận được hồ sơ sẽ phải xử lý” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Ông Bình cho hay theo tổng kết, đánh giá thì phần lớn tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi cư trú nhưng cũng có một số ít trường hợp là những nơi khác.

Dự thảo Pháp lệnh có nhiều điểm mới, tiến bộ

So với pháp lệnh hiện hành, dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi) quy định mới hai điều (Điều 7 và Điều 44) và sửa 42/42 điều.

Đáng chú ý, dự thảo pháp lệnh vừa được UBTVQH thông qua sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách lớn như thẩm quyền của tòa án; bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện để giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên; bỏ quy định về điều kiện giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính; bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm