Quyết định được đưa ra sau một ngày tranh luận gay gắt giữa đại diện Cục Hàng không, tác giả đề xuất đường bay Mai Trọng Tuấn và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế của Hội Khoa học kinh tế. Với lập luận không thay đổi, Cục Hàng không cho rằng đề xuất đường bay thẳng Hà Nội-TP.HCM theo kinh tuyến 106 độ đông ngoài việc ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng, hệ thống kỹ thuật chưa đảm bảo còn không đem lại hiệu quả kinh tế so với đường bay hiện tại. Thậm chí xét về hiệu quả kinh tế, đại diện VNA cho rằng đường bay thẳng chỉ tiết kiệm được hơn 2 phút bay (trước đây là 7 phút) so với đường bay cũ nhưng lại phải mất 478 USD/chuyến cho Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, những lập luận của Cục Hàng không và VNA không thuyết phục được nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Trần Phương cho rằng ngay trong các văn bản của Cục Hàng không gửi cơ quan chức năng nhằm bác bỏ đường bay thẳng cũng đã có nhiều mâu thuẫn về số liệu. Thậm chí một số chuyên gia nghi ngờ tính trung thực của dữ liệu đầu vào trong cách tính hiệu quả “đường bay vàng” mà VNA đưa ra.
Cuối cùng, ông Lại Xuân Thanh đồng ý với đề xuất sẽ cùng với các nhà khoa học làm rõ dữ liệu đầu vào và cách tính toán hiệu quả của “đường bay vàng” của VNA để những ai không đồng tình với ý kiến của Cục trong thời gian qua phải “tâm phục, khẩu phục”.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý là nếu thực hiện “đường bay vàng”, hàng không Việt Nam vẫn phải duy trì song song hai đường bay. Bởi đường hàng không hiện nay không chỉ phục vụ cho Hà Nội-TP.HCM mà còn phục vụ các chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Bình và phải giữ đường hàng không nội địa quan trọng nhất nằm hoàn toàn trong vùng kiểm soát, điều hành của Việt Nam.
TRUNG HIẾU - THÀNH VĂN