Đoạn quốc lộ 8B dài hơn 35 km từ phía Nam cầu Bến Thủy 2 đến phía Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh liên tục sụt lún và phải sửa chữa, vá víu quanh năm, gây nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. Đây là tuyến đường do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng.
Liên tục xảy ra tai nạn
Sáng 20-4, trên quốc lộ 8B (tuyến đường tránh thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), một nhóm công nhân đang vá đường dưới nắng chói chang. Các xe Bắc-Nam qua đoạn đường này phải chạy chậm lại để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Chỉ mới cách đây vài ngày, đêm 15-8, tài xế Bùi Thanh Cảnh (trú Hòa Bình) điều khiển ô tô chở người thân đi Quảng Trị đón hài cốt liệt sĩ, khi đến đoạn đường trên gặp mặt đường xấu nên đánh lái sang trái để chuyển làn. Ngay lúc đó, xe container do tài xế Lê Văn Thạch (trú Bình Định) điều khiển chạy sau tông trúng xe con khiến xe này ủi lên dải phân cách giữa đường rồi lật nghiêng. Ba người trên ô tô con bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu.
Ngày 24-2, cũng tại đoạn đường trên, một xe tải mất lái đâm vào lan can cứng giữa đường, lúc đó xe khách 76B-003.36 (của nhà xe Chín Nghĩa, chạy hướng TP.HCM - Hà Nội) đã thắng gấp để tránh hiện trường vụ tai nạn nên bị mất lái, lật nghiêng bên đường.
Trước đó, cũng tại đoạn đường này, xe khách 17B-007.25 bị tai nạn lật nghiêng giữa quốc lộ khiến hai người chết và nhiều người bị thương...
Anh NVL (tài xế, trú Nghệ An) phản ánh: “Đoạn đường tránh thị xã Hồng Lĩnh nhiều khúc lún hằn vệt bánh xe nên khi chuyển làn, xe chao đảo cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt trời mưa thì mặt đường có nhiều con mương chạy dọc đọng nước nên khi ô tô chạy qua làm nước bắn té sang người đi xe máy. Tôi qua đoạn đường này đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông”.
Ông Hoàng Minh Việt, Phó ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho biết đã có vụ lật xe khách do đường lún sống trâu dẫn đến làm hai người chết trên đoạn đường này.
Công nhân đang sửa chữa tuyến đường BOT tránh thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: ĐẮC LAM
Các vết nứt, lún trên tuyến đường BOT tránh thị xã Hồng Lĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: ĐẮC LAM
Và liên tục vá, sửa
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ phía Nam cầu Bến Thủy đến phía Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh và tuyến nhánh 8B (tránh thị xã Hồng Lĩnh) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng đường 20,5 m, đảm bảo bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa, hệ thống thoát nước dọc.
Tháng 1-2014, công trình được đưa vào sử dụng, được xem là động lực quan trọng kích thích phát triển kinh tế cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, rút ngắn thời gian hành trình và giảm thiểu tai nạn trên địa bàn. Vậy nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng, đoạn đường liên tục bị sụt lún, xuống cấp nhanh và liên tục sửa chữa.
Đường BOT thu phí thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng, đảm bảo an toàn cho dân. Đường có tốc độ khai thác nhiều đoạn trên 80 km/giờ nhưng có nhiều ổ gà, sống trâu rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tỉnh đã có nhiều văn bản đề xuất ra Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã từng nói nếu như đường không đảm bảo chất lượng đề xuất không cho thu phí. Ông HOÀNG MINH VIỆT, Phó ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh |
Hiện nhiều điểm trên mặt đường nứt toác, trở thành ổ gà, ổ trâu. Nhiều điểm lún hằn vệt bánh xe và trồi lên như luống khoai. Đơn vị thi công đã đưa máy cào cắt “luống khoai” để mặt đường bằng phẳng nhưng do vậy đường thêm gồ ghề.
Theo ông Việt: “Dự án đường này sử dụng được vài tháng đã sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ GTVT sửa chữa rất nhiều lần. Chủ đầu tư khắc phục xong chỗ này thì chỗ kia lại hư hỏng”.
Nhà đầu tư nói chỉ là hư hỏng nhỏ Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Viết Thanh, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4, xác nhận vừa qua có xuất hiện hai vị trí hư hỏng với diện tích rất nhỏ (1,5 m2). Sau đó đơn vị đã chỉ đạo sửa chữa tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời yêu cầu rà soát lại các vị trí có khả năng phát sinh hư hỏng để tiến hành các bước sửa chữa theo quy định. “Dù hư hỏng nhỏ nhưng chúng tôi có báo cáo gửi Cục Quản lý đường bộ 2 và lãnh đạo Cục đã xuống hiện trường kiểm tra và báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam…” - ông Thanh khẳng định. Đối với một số hư hỏng vị trí hai đầu cầu Bến Thủy, ông Thanh cho biết đoạn trên trước đây được một đơn vị khác đầu tư khai thác, sau đó bàn giao lại. “Vừa qua Cienco 4 đã đề xuất sửa chữa đột xuất, tuy nhiên chưa được chấp thuận” - ông Thanh nói. |