Vào những ngày cận Tết, nhiều đường hẻm nhỏ ở TP.HCM vốn nhỏ hẹp, kẹt xe, ngập nước triền miên đã được khoác lên mình những chiếc áo mới. Tại đây, bà con nhỏ to, vui mừng, người treo cờ đón năm mới, người dọn dẹp vệ sinh để dự tính trồng hoa, cây kiểng đón năm mới khang trang, ấm cúng và đầy hứng khởi.
Ghi nhận của PV trên tuyến đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức vào những ngày cận Tết đã hoàn toàn “lột xác”. Đường cũ chỉ rộng 4 m, thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm nay đã rộng rãi, thông thoáng.
Hai bên vỉa hè vốn toàn rác thải, nhếch nhác xấu xí cũng được thay bằng những chậu hoa vô cùng đẹp mắt. Có được sự thay đổi ngoạn mục này đó chính là nhờ tấm lòng của những người dân sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích cá nhân để hiến đất, mở đường.
Anh Trần Anh Kiệt là một người dân đã hiến hơn 300 m2 đất để mở rộng đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh. Anh Kiệt cho biết ngay khi nghe chủ trương mở rộng đường, anh đã đồng ý hiến phần đất dọc tuyến đường với khoảng 300 m2. Không chỉ vậy, với khoảng 1 m bề ngang còn lại, anh cũng đã hiến luôn cho địa phương để trồng cây xanh, tô điểm cho tuyến đường.
“Việc làm đường chẳng phải của riêng ai, đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi hiến đất làm đường. Những năm 2000, gia đình tôi đã hiến hàng trăm m2 đất để làm đường số 48, cả tôi và người dân đều hưởng lợi, đời sống được nâng lên, diện mạo đô thị có nhiều đổi thay.
Anh Kiệt cho biết có nhiều tuyến đường phải chờ ngân sách nhà nước để làm nên người dân chờ rất lâu. Hiểu rõ điều này, đặc biệt là việc mỗi ngày anh đều phải trải qua tình trạng kẹt xe kéo dài trên đường Kha Vạn Cân nên việc mở rộng đường là khao khát của anh.
“Khi nghe tin chính quyền làm đường, tôi đã hiến hết phần đất của gia đình. Điều mà tôi vui nhất vẫn là người dân cùng đồng hiến đất, mở đường. Sắp tới một phần còn lại của Kha Vạn Cân sẽ được mở rộng, đồng bộ và liên thông, đây chính là niềm hạnh phúc của tôi” - anh Kiệt xúc động nói.
Cũng như anh Kiệt, ông Nghĩa, hẻm 182 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh cũng được bà con địa phương gửi lời cảm ơn khi tuyến đường được thông suốt. Người dân địa phương cho biết trước kia ở hẻm này 2 chiếc xe máy né nhau cũng khó, mà nay ô tô 16 chỗ đã chạy bon bon, bà con phấn khởi vô cùng.
Có mặt tại tuyến hẻm, chúng tôi bắt gặp ông Nghĩa và bà con lối xóm đang bàn nhau chuyện làm đẹp cho tuyến hẻm mới, số ít tính chuyện treo cờ để đón năm mới, số còn lại tính lắp biển báo cấm đổ rác trộm. Một số hộ dân khác cũng sẵn sàng trồng hoa dọc tuyến hẻm để làm đẹp tuyến đường mới.
Nhớ lại con hẻm cũ, ông Nghĩa cho biết trước kia xe máy đi lại khó lắm, nay ô tô lưu thông thoải mái. Có những hàng cây cổ thụ, lâu năm được ông Nghĩa trồng cũng được hiến kèm với đất. Ông Nghĩa cũng khá tiếc với hàng chục cây cổ thụ mà một người ôm không xuể cũng được “hy sinh” làm đường cho bà con lối xóm.
“Đường rộng mở, tấm lòng bà con cũng hân hoan, rộng lối hơn. Tôi ở đây rất lâu nhưng chưa bao giờ thấy bà con vui như vậy. Ai đi qua đường mới cũng tíu tít mừng vui, người đi qua và người đi lại đều chào hỏi nhau, gần gũi và ấm cúng lắm. Ban đầu tôi tính hiến hơn 3 m đất bề rộng, sau đó tôi “quay xe” hiến luôn 4 m và hàng cây cổ thụ, với khoảng 150 m2 đất… việc tôi làm là hoàn toàn xứng đáng.
Đúng là một cánh én chẳng thể làm nên một mùa xuân, nhưng với sự chung tay, đoàn kết của người dân thì nay con đường đã được mở rộng, mang lại một diện mạo mới cho khu vực này. Tôi sẽ tiếp tục hiến đất, mở rộng những tuyến hẻm mới mà khu phố, phường Hiệp Bình Chánh kêu gọi” - ông Nghĩa nói.
Cũng giống như TP Thủ Đức, chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm cũng được triển khai sâu, rộng ở các địa phương khác ở TP.HCM. Một trong những địa phương điển hình phải kể tới đó là quận 7.
Quận 7 là một vùng đất khá trũng nên cứ khi triều cường, hoặc mưa nhỏ sẽ có nhiều tuyến hẻm bị ngập. Vì vậy, chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng nâng cấp mở rộng hẻm đã được địa phương và người dân quận 7 đặc biệt quan tâm. Mỗi năm có hàng chục tuyến hẻm được nâng cấp, mở rộng và diện mạo đô thị quận 7 có nhiều khởi sắc qua các năm.
Tiêu biểu phải kể đến hẻm 1248 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Mỹ và phường Tân Phú) đã được chỉnh trang, nâng cấp khang trang hơn. Từ một tuyến hẻm thường xuyên ùn ứ, ngập nước và ô tô khó lưu thông nay có thể di chuyển dễ dàng và tránh được nhau.
Bà Bùi Thị Ánh Hồng, người dân sống tại hẻm 1248 Huỳnh Tấn Phát cho biết hẻm 1248 trước kia xuống cấp, hệ thống thoát nước nhỏ hẹp nên thường xuyên bị ngập. Người dân đi vào chùa Long Hoa Cổ Tự vô cùng khó khăn, thậm chí ngày mồng 1 Tết cũng bị nước ngập tới đầu gối. “Xuân năm nay ai cũng mừng, vừa đi chùa vãn cảnh cũng thoát khỏi cảnh ngập nước, ai cũng hân hoan vui mừng vì có đường mới sạch đẹp” - bà Hồng vui mừng.
Ông Trần Xuân Hiếu, phường Tân Hưng quận 7 cũng đã bàn giao ngay một phần đất trong hẻm để mở rộng cầu hẻm khi nghe tin chủ trương mở rộng cầu. Ông Hiếu cho biết cầu trước kia chỉ rộng chưa tới 3,5 m, ô tô không thể đi lại, xe máy cũng di chuyển khó khăn vì vậy quyết định hiến đất để cầu được mở rộng hơn. Nay cầu rộng hơn 5,5 m, các phương tiện di dời dễ dàng, song có lẽ vui hơn vì những năng lượng tích cực đã được lan tỏa và người dân trong khu vực sẽ tiếp tục hiến đất để mở rộng hẻm lên 6m.
Tương tự, đường An Phú Đông 35 , phường An Phú Đông (quận 12) nay cũng hoàn toàn khác, không còn ngập, khói bụi, đó là kết quả của sự đồng lòng giữa nhân dân và nhà nước cùng làm.
Nếu so với 6 tháng trước, đường An Phú Đông 35 ngập nước kéo dài, một phần là do mưa và chưa có hệ thống cống thoát nước. Trước sự cấp bách đó, người dân đã đồng lòng đóng góp kinh phí để nâng cấp đường, làm hệ thống cống và nay đường phố khang trang, không còn cảnh ngập nước nữa.
“Đường ngập nước, sình lầy và có lần ngập cả tháng, ai nấy đều ngao ngán. Thế nhưng năm nay đã khác, đường được nâng cấp và cũng chẳng còn ngập như trước nên ai nấy đều vui mừng, đặc biệt là dịp tết đến xuân về” - anh Nguyễn Anh Xuân nói.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, chị Trương Thị Thùy Trang – Trưởng khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, cho biết chưa bao giờ công tác vận động người dân cùng làm đường, hiến đất mở rộng hẻm mà dễ dàng cả. Tuy nhiên, công tác dân vận đã ngấm vào “máu”, muốn người dân hiểu và cảm thông phải thực sự chia sẻ, phải đồng hành để người dân cùng hiểu.. và nếu hiểu thì sẵn sàng đóng góp và sẻ chia.
Với tinh thần đó, chị Trang đã vận động được nhiều hộ gia đình hiến hàng trăm mét đất, nhà ít cũng vài chục mét, số còn lại cũng đóng góp kinh phí để mở rộng đường.
“Riêng hẻm 182 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh chỉ rộng có 2m, 2 xe máy tránh nhau cũng khó, thiết nghĩ không thể nâng cấp trên hiện trạng được. Tôi mạnh dạn xin mở rộng hẻm để dân đi lại thuận tiện hơn, từ việc khó đi lại nay ô tô lưu thông băng băng. Đến nay, người dân hồ hởi, phấn khởi, ai nấy gặp nhau cũng vui mừng và tôi cho rằng đó là thành công lớn nhất của những người làm dân vận.
Nay chỉ cần nghe tin mở rộng hẻm, bà con tin tưởng cùng đồng lòng và sẵn sàng chung tay, riêng Chú Nghĩa đã đề nghị tiếp tục hiến đất cho một tuyến đường xương cá trên khu phố 8. Bên cạnh đó, người dân đoàn kết hơn, bắt đầu chung tay xây dựng những tuyến hẻm xanh - sạch - đẹp” - bà Trang nói.
Chia sẻ về những thành công, bà Trang cho biết trong năm 2023, riêng Khu phố 8 đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí thực hiện 14 công trình duy tu giao thông, công trình thoát nước, với tổng kinh phí 1,4 tỉ đồng (người dân đóng góp 100%), vận động 16 hộ dân hiến 420 m2 đất mở rộng hẻm 182 đường Hiệp Bình, vận động 116 hộ dân hẻm 182 Hiệp Bình ủng hộ hơn 205 triệu để hỗ trợ cho 16 hộ hiến đất chỉnh trang lại tường rào và mái hiên nhà, đây là một trong những tuyến đường quan trọng của khu phố đã xuống cấp từ nhiều năm qua.
Việc nâng cấp góp phần tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, chống ngập nước cho người dân trong khu vực, nâng cao mỹ quan đô thị và chất lượng sống cho người dân trong khu phố.
Tương tự, ông Nguyễn Như Thất, tổ trưởng khu phố ở phường Tân Hưng, quận 7 cũng đã vận động được nhiều người dân hiến đất, trong quá trình vận động cũng có nhiều trở ngại, do suy tính thiệt hơn.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như hôm nay, ông Thất cho rằng người tuyên truyền cần đưa ra những lợi ích về mặt cộng đồng để người dân hiểu, mang lại hiệu quả và người dân trực tiếp được hưởng lợi. Từ đó, người dân đã chấp thuận bàn giao và nay người dân chính là người được thụ hưởng các dịch vụ y tế, phòng cháy chữa cháy, phát triển kinh tế xã hội….
“Từ kết quả đó đã lan tỏa tới người dân khác và kế hoạch mở rộng nhiều nhánh hẻm lên 6 m cũng đã nhận được sự đồng thuận và năm 2024 sẽ đồng loạt khởi thông nhiều tuyến hẻm” - ông Thất nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết hạ tầng ở Hiệp Bình Chánh còn nhiều hạn chế, nguồn lực đầu tư các dự án cũng có hạn - khoảng 4,7 tỉ đồng/năm để nâng cấp hẻm. Vì vậy, các công tác tuyên truyền vận động người dân cùng hiến đất, hoặc đóng góp kinh phí để mở rộng hẻm đã mang lại hiệu quả thực sự. Đến nay nhiều tuyến đường có hệ thống thoát nước, xóa ngập, mang lại diện mạo đô thị khang trang cho người dân và TP Thủ Đức.
Phường đặt mục tiêu nâng cấp, mở rộng khoảng 10 -12 công trình, song riêng năm 2023 phường đã triển khai được 50 dự án, đó là sự nỗ lực của cả tập thể từ người dân đến các tổ chức đoàn thể.
“Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, việc triển khai các dự án còn nhiều khó khăn, vì vậy cần phải vận động người dân chung tay xây dựng. Việc địa phương đã làm và thành công là cần làm cho người dân thấy, hiểu thì chắc chắn nhận được sự đồng lòng.
Bên cạnh đó, phường sẽ cho người dân tham gia vào các công đoạn từ giám sát, vận động, lựa chọn đơn vị thi công… và kết quả là hơn 50 dự án được triển khai thành công và đi vào cuộc sống” – ông Tuấn nói.
Tương tự, bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, cho biết với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm nhiều tuyến hẻm trên địa bàn phường cũng được triển khai. Riêng đường An Phú Đông 35 đã xóa ngập, người dân cùng phường đóng góp, lựa chọn đơn vị thi công và người dân ủng hộ, đồng lòng.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm hẻm là nhiệm vụ trọng tâm mà Quận ủy, UBND, MTTQ quận 7 đặt ra. Theo đó, bên cạnh hoàn thiện hạ tầng đô thị quận 7, với những trục giao thông chính, quận 7 quyết tâm khơi thông nhiều tuyến hẻm, cầu hẻm, đường hẻm... giúp bà con tiếp cận giao thông, y tế, giáo dục thuận tiện hơn.
Từ những dự án đã triển khai, mang lại hiệu quả bà con nhân dân đã đồng thuận, đồng lòng và các tuyến hẻm tiếp theo đã khơi thông, từng bước nâng cấp diện mạo đô thị quận 7.
Đến nay, quận 7 đã nâng cấp mở rộng được 43 tuyến hẻm đạt độ rộng trên 4 mét, hoàn thành nâng cấp 86 tuyến hẻm theo hiện trạng có độ rộng khoảng 3,5 m. Không chỉ vậy, nhiều cây cầu hẻm, cầu mới cũng đã được mạnh thường quân hỗ trợ, đóng góp và người dân cũng hiến đất mở rộng hẻm, với tổng kinh phí gần 22 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Với những thành công trên, quận 7 sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để tạo sự đồng thuận cao trong việc hiến đất và đầu tư mở rộng hẻm theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
“Tôi mong muốn người dân đi lại tiện lợi, tiếp cận với phòng cháy chữa cháy, y tế giáo dục dễ dàng nhất, đây là cơ sở để nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các khu dân cư. Vì thế, quận 7 đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ mở rộng, nâng cấp tối thiểu 10 tuyến hẻm và hoàn thành chỉ tiêu nâng cấp mở rộng 50 tuyến hẻm trong nhiệm kỳ 2020-2025” – ông Thành nhấn mạnh.
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết trong năm 2023, trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp 93 tuyến đường, hẻm theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhân dân đóng góp 100% kinh phí để thực hiện 61 tuyến hẻm tổng kinh phí thực hiện 11,621 tỉ đồng.
Các tuyến đường hẻm cần nâng cấp mở rộng là rất lớn nhưng việc tuyên truyền vận động đã mang lại hiệu quả và người dân hưởng ứng, đồng lòng. Từ những tuyến đường xuống cấp, ngập nước nay đã được xóa bỏ, đời sống người dân có nhiều cải thiện.
Các dự án được nâng cấp theo hình thức xã hội hóa đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển, tốc độ đô thị hóa của quận. Đường sau khi thông thoáng đã nâng cao khả năng kết nối giao thông, năng lực khai thác, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt hơn, người dân đã đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đưa một một quận mang dáng dấp nông thôn thành một quận đô thị, phát triển, hiện đại hơn” - ông Phúc nói.