Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, nhiều tuyến đường ở vùng cao Tây Nguyên vốn nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa dần được bê tông, nhựa hóa.
Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân sẵn sàng hiến đất trị giá hàng trăm triệu đồng để làm những con đường thông thoáng, phẳng phiu. Họ là những người dân bình thường, bình dị mà cao quý.
Nay vận động, mai dân đã dỡ hàng rào
Tháng 6-2023, thực hiện Quyết định số 793/2023/QĐ-UBND ngày 31-5-2023 của UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) về việc giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi năm 2023.
UBND thị trấn Ia Kha đã tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân làng Yam hiến đất làm bốn đoạn đường, dài hơn 1.334 mét, tổng kinh phí gần 1,2 tỉ đồng. Theo thiết kế, nền đường rộng 5 mét, mặt đường rộng 3 mét, mặt đường đá dăm láng nhựa dày 12 cm.
Người dân làng Yam (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) hiến đất, cà phê để làm đường. Ảnh: LK. |
Cứ ngỡ việc sẽ khó khăn nhưng sau hôm vận động, bà con làng Yam đã phấn khởi bảo nhau dỡ hàng rào, dỡ chuồng trại, chặt cây cối… nhường đất để làm đường mới. Tổng diện tích đất hiến hơn 4.250 mét mặt đường, thuộc 50 hộ dân.
Ông Ksor H'lút (67 tuổi, làng Yam), bày tỏ: “Nghe vận động làm đường, bà con mình mừng lắm. Đồng ý hiến đất ngay thôi. Riêng nhà tôi hiến khoảng 100 mét, 15 cây cà phê”.
Theo ông H'Lút, ông ở đây từ trước năm 1975, lâu nay đường trong làng vẫn đường đất, mùa mưa đi lại khó khăn. Giờ bà con không muốn thấy cảnh bùn lầy nữa.
Con đường dự công trình sẽ hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: LK. |
Đánh giá về việc người dân đồng loạt hiến đất làm đường, bà Trịnh Thị Danh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ia Kha nói: “Người dân đồng tình hiến đất 100% là việc rất mừng, thể hiện sự đồng thuận trong nhân dân. Trước mắt, việc làm đường này người dân sẽ được khai thác trực tiếp, thuận tiện đi lại; về lâu dài sẽ giúp dân phát triển kinh tế xã hội, vận chuyển nông sản, nhất là vào mùa mưa”.
Tương tự, hộ anh Rơ Mah Thom, chia sẻ: “Chúng tôi mong ngóng được làm đường lâu lắm rồi. Nay nghe cán bộ đi vận động, liền tự ý tháo dỡ hàng rào, hiến đất làm đường. Nhà tôi hiến 60 mét đất mặt đường, sâu 2 mét. Bà con chỉ muốn có con đường mới khang trang, sạch đẹp hơn”.
Chị Rơ Châm H’Bin, Phó thôn làng Yam cho biết: “Làng Yam là một trong những làng khó khăn nhất của huyện với hơn 200 hộ người Jrai, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Việc làm đường mới thông thoáng sẽ góp phần giúp bà con thuận lợi đi lại, phát triển kinh tế. Hôm chúng tôi đi vận động bà con rất đồng tình, hôm sau họ đã tự ý tháo dỡ hàng rào, hiến đất”.
“Con đường dân hiến”
Tại thị trấn Đắk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), đường Âu Cơ dài hơn 200 mét, bề rộng 18 mét và lòng đường 10 mét vừa được hoàn thành, mọi người quen gọi là “con đường dân hiến” bởi 100% hộ dân nơi con đường này đi qua đều tham gia hiến đất, tài sản trên đất.
Đối với công trình này, nhà nước hỗ trợ một phần cho người dân ở các hạng mục kiến trúc, giếng nước và một phần giá trị đất cho hộ bị thiệt hại nhiều, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Hiện con đường hoàn thành rất rộng rãi, khang trang, kết nối với các trục đường khác dẫn ra quốc lộ 14.
Ông Lê Triều hiến đất và cà phê để làm đường Âu Cơ. HP. |
Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Tô, cho biết, đầu tư con đường này nhà nước tiết kiệm được khá nhiều so với một số công trình khác. Ban đầu, dự tính 19 hộ nằm trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng (hơn 5.000 m2) với chi phí 1,1 tỉ đồng, nhưng sau đó người dân tình nguyện hiến đất trị giá 871 triệu đồng.
Hộ dân tham gia hiến nhiều đất, ông Lê Triều (khối 9, thị trấn Đăk Tô) chia sẻ: “Việc được đền bù cũng quan trọng nhưng tiền bạc thì bao nhiêu tiêu cũng hết. Tôi chỉ muốn nhà nước làm con đường cho thật tốt, để nhân dân và con cháu sau này được hưởng lợi”.
Trong tổ dân phố, ông Triều là một trong hai hộ của khối 9 hiến nhiều đất và tài sản trên đất khi làm con đường này. Riêng hộ ông Triều hiến có giá trị hơn 122 triệu đồng và một hộ khác hiến nhiều là bà Bùi Thị Thông, trị giá hiến hơn 150 triệu đồng.
Con đường Âu Cơ sau khi hoàn thành sạch đẹp, thông thoáng. Ảnh: TN. |
Cụ thể, hộ ông Triều hiến hơn 541 m2 đất, 65 cây cà phê vối năm thứ 15 và 28 cây bời lời. Hộ bà Bùi Thị Thông có hơn 661 m2 đất, tài sản trên đất, gồm: 76 cây cà phê vối năm thứ 15, 45 cây bời và nhiều cây trồng khác.
“Nhà nước vận động bà con hiến đất làm đường cho thông thoáng, bà con không có gì lăn tăn cả. Chúng tôi rất phấn khởi”, bà Thông vui vẻ nói.
Ngày 17-5, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định tặng bằng khen cho hai hộ gia đình (hộ bà Bùi Thị Thông và ông Lê Triều, khối 9, thị trấn Đăk Tô) gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về đất đai và tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.