Dân hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để làm đường

(PLO)- Người dân ở hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tự nguyện hiến đất làm dự án đường giao thông, trong đó có hộ bàn giao hàng ngàn mét vuông đất, tự tháo dỡ nhà ở để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút (Đắk Nông), cho biết thời gian qua hàng trăm hộ dân đồng ý hiến đất để làm dự án đường giao thông.

Có đường mới dân là người được hưởng lợi

Gia đình anh ông Trần Ngọc Vũ (33 tuổi, ngụ thôn 8, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đang tất bật thu dọn tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cư Jút làm đường giao thông. Tài sản gồm nhiều cây công nghiệp có giá trị như tiêu, cây ăn trái, cà phê…

“Làm đường mới, ngoài việc phục vụ chung cho cộng đồng thì người dân như chúng tôi được hưởng lợi trực tiếp. Vì vậy, sau khi bàn bạc với người nhà, chúng tôi đã đi đến thống nhất hiến 10.000 m2 đất” - ông Vũ mở đầu câu chuyện.

Cũng theo ông Vũ, trước khi làm dự án, cán bộ xã Tâm Thắng đã tổ chức họp dân về việc thực hiện con đường mới rộng khoảng 20 m, dài 7,5 km. Con đường này đi qua nhiều hộ dân và sẽ làm ảnh hưởng đến một số vật kiến trúc, tài sản của các hộ dân.

“Cán bộ xã giải thích rằng dự án chỉ có đủ kinh phí xây lắp. Nếu người dân không hiến mặt bằng thì sẽ không làm được. Tôi là người tiên phong ủng hộ chính quyền trong việc này” - ông Vũ cho biết.

Tương tự, gia đình bà Mai Thị Lụa (48 tuổi, ngụ thôn 10, xã Tâm Thắng) có gần 2 ha rẫy nằm trên tuyến đường này. Bà Lụa kể biết dự án này khó khăn về tài chính, vì trong dự án không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Nếu dân không đồng lòng, con đường này không thể làm.

“Vợ chồng tôi đã hiến 2.000 m2 đất đang sản xuất, trị giá hàng trăm triệu đồng bàn giao cho Nhà nước. Chúng tôi hy vọng rằng nhiều hộ cũng sẽ có cách làm tương tự để ủng hộ chủ đầu tư hoàn thành sớm con đường này” - bà Lụa tâm sự.

Ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, xác nhận tuyến đường vành đai dài 7,5 km (đoạn qua xã Tâm Thắng dài 3,2 km). Dự án được khởi công từ tháng 10-2022, nối xã Tâm Thắng đi thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) và xã Trúc Sơn.

“Đến nay, có khoảng 80% bà con đã đồng ý hiến đất và tài sản làm con đường này. Trong đó có hộ ông Trần Ngọc Vũ bàn giao 10.000 m2, tương đương với giá trị đất khoảng 1 tỉ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo tuyến phân chia lưu lượng xe vào trung tâm thị trấn Ea T’ling, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội” - ông Vũ cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, cho rằng việc người dân hiến đất làm đường có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn.

“Do nhiều tuyến đường không có kinh phí giải phóng mặt bằng nên chúng tôi đã vận động người dân hiến đất. Sau đó, huyện tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các dự án ở những vị trí đường khác đã xuống cấp, hư hỏng nặng” - ông Tú cho hay.

Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Thống Nhất vận động người dân ở buôn Dlung 1B bàn giao mặt bằng. Ảnh: NT

Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Thống Nhất vận động người dân ở buôn Dlung 1B bàn giao
mặt bằng. Ảnh: NT

Tự tháo dỡ nhà để làm đường

Gia đình chị H’Thona Niê (33 tuổi, buôn Dlung 1B, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) vừa hoàn tất việc di chuyển căn nhà đang ở vào sâu bên trong.

Chị H’Thona Niê chia sẻ việc di dời nhà này là để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm dự án đường giao thông nông thôn.

“Hiện nay, “tấc đất, tấc vàng” nhưng chúng tôi nhận thấy rằng việc tự nguyện di dời tài sản để giao mặt bằng cho chính quyền làm dự án có ý nghĩa rất lớn. Khi làm nhà mới, gia đình tôi được UBND phường Thống Nhất hỗ trợ xi măng, gạch; hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh” - chị H’Thona Niê vui vẻ nói.

Tương tự, gia đình ông Y Hip Kbuôr, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Dlung 1A, tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất để làm đường nói trên.

“Tôi làm công tác mặt trận nên phải đi đầu để người dân cùng đồng lòng hiến đất. Có con đường thông thoáng, sạch đẹp sẽ giúp người dân vơi đi nỗi lo lắng đường lầy lội, khó đi vào mùa mưa” - ông Y Hip Kbuôr tâm sự.

Năm 2022, buôn Dlung 1A và Dlung 1B được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo 10 trục đường với tổng chiều dài khoảng 3 km, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 13,5 tỉ đồng, không có chi phí giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Đình Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Thống Nhất, cho biết đây là hai buôn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. “Việc làm đường mới sẽ thay đổi diện mạo hai buôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…” - ông Dung nói.•

Hiến cả đất vàng cho dự án

Thời gian qua, có nhiều hộ dân ở thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút tự nguyện hiến đất “vàng” để làm đường giao thông.

Điển hình như gia đình anh Lâm Văn Hùng giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm dự án nâng cấp và mở rộng đường Ngô Quyền. UBND thị trấn Ea T’ling ước tính tổng giá trị mà người dân đóng góp xây dựng bảy tuyến đường khoảng trên 18 tỉ đồng.

Đường giao thông ở một số xã của huyện Cư Jút được xây dựng khang trang. Ảnh: NC

Đường giao thông ở một số xã của huyện Cư Jút được xây dựng khang trang. Ảnh: NC

Trong khi đó, tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút có trên 500 hộ dân tự nguyện hiến hơn 20.000 m2 đất và tài sản trên đất (ước tính khoảng 10 tỉ đồng) để xây dựng hạ tầng.

Ông Nguyễn Tấn Cung, Trưởng Ban phong trào UBMTTQ tỉnh Đắk Nông, cho biết thời gian qua, UBMTTQ tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhiều hộ dân ở địa phương hiến đất làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới. Việc này đã được cụ thể hóa ở các MTTQ ở các huyện, xã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm