Đường thủy bến Bạch Đằng nên tham khảo Bangkok, Boston, Thượng Hải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng được chỉnh trang, tôn tạo, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia không chỉ nhắc lại giá trị văn hóa-lịch sử của khu vực này mà còn đặc biệt chú ý đến vấn đề giao thông đường thủy và thúc đẩy "kinh tế văn hóa" ở Bến Bạch Đằng.

Gợi ý mô hình tàu thủy kiểu Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ

. Phóng viên: Nhiều người dân quan tâm đến vấn đề đi lại, giao thông đường thủy ở bến Bạch Đằng, tức người từ nơi khác muốn đến đây và người từ đây đi các nơi như biển Cần Giờ hay các tỉnh, thành khác. Theo ông bà, vai trò của bến tàu thủy hiện nay như thế nào, cần cải thiện những vấn đề gì để thúc đẩy đường thủy nhộn nhịp hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh đường bộ hiện chịu áp lực lớn?

+ PGS. TS NGUYỄN NGỌC THƠ (Trưởng khoa Văn hoá học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM): Qua việc chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, ga tàu thủy và công trường Mê Linh, người dân nhận thấy cần giữ lại bến tàu và phát triển nó. Vì ngay từ khởi thủy, người dân cho rằng đây là một bến tàu, Bến Nghé, Bến Bạch Đằng, Bến phà Thủ Thiêm, nó có sự liên tục và tính lịch sử.

Tất cả những luồng giao thông thủy và bộ đều gặp gỡ nhau tại Bến Bạch Đằng này. Khi khách tham quan, người dân đến để tập thể dục, giải trí, vui chơi... đã tạo ra bức tranh rất sinh động. Đó là những gì mà người dân mong muốn.

Với các tuyến Water bus hiện có thì cần tăng cường tần suất đi đến các điểm kết nối. Tại các điểm Water bus đến cũng cần xây dựng thêm các nhà chờ, hạng mục tiện ích dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...

Đồng thời phải nghiên cứu để mở ra các tuyến mới như một tuyến đi thẳng lên sông Sài Gòn khu vực hầm Thủ Dầu 1 hay đi Địa đạo Củ Chi; thêm tuyến đi qua sông Đồng Nai như đến Cù Lao Phố, Cù Lao Rùa, thượng nguồn sông Đồng Nai...

Ngoài ra, chúng ta có thể phục vụ những người có nhu cầu đi đường thủy xuống Nhà Bè, Cần Giờ và đặc biệt là xuống miền Tây, kết nối sông Sài Gòn với sông Vàm Cỏ.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Công viên Bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chúng tôi cũng có nguyện vọng sẽ được tiếp tục cùng với các cơ quan TP, công ty tàu thủy để thực hiện các chuyến khảo sát. Hiện chúng tôi đã có kế hoạch chủ nhật này sẽ tiến hành khảo sát sông Đồng Nai và sẽ tiếp tục đi khảo sát thượng nguồn sông Sài Gòn.

Nếu cứ như vậy chúng ta sẽ mở ra được thêm nhiều hoạt động, giúp khai thông giá trị kinh tế, cảnh quan của bờ sông Sài Gòn.

Nếu chúng ta chỉ phục vụ việc đi lại của người dân TP thì tôi thấy mô hình của Bangkok (Thái Lan) có thể tham khảo được.

Ở đó có ga tàu thủy trung tâm cũng giống như ga tàu thủy Bạch Đằng hiện nay và họ khai thác tất cả hệ thống kênh rạch trong TP.

Ví dụ như ở kênh Thị Nghè, Bến Nghé… có thể xây dựng những cầu tàu cao để buýt sông có thể đi ngang. Đồng thời cần kết nối ga trung tâm với địa phương.

Nếu mở rộng thêm chức năng du lịch thì tôi thấy có thể tham khảo Thượng Hải (Trung Quốc), hay Boston (Mỹ).

Chúng ta có thể mở rộng thêm những tour du lịch đường sông ngắn tại sông Sài Gòn hoặc đi xuống Bình Dương, đi hoài niệm về thời kỳ khai phá vùng đất Nam Bộ ở Nhà Bè... nó sẽ giúp mang lại giá trị kinh tế. Tôi nghĩ với trường hợp sông Sài Gòn, người dân rất mong mỏi có thể phát triển cả hai loại hình.

Mô hình đường thủy ở khu Bến Bạch Đằng có thể tham khảo và học hỏi từ Thái Lan, Trung Quốc hay Mỹ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

+ TS. NGUYỄN THỊ HẬU (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM)

Nói về giao thông đường thủy thì ở Nam Bộ đây là một nét đặc trưng rất quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động đường thủy tại ĐBSCL và ngay tại TP.HCM còn rất hạn chế.

Hiện năng lực giải tỏa giao thông của đường bộ cũng không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện, vì vậy tôi cho rằng việc phát triển giao thông đường thủy là rất cần thiết.

Thứ nhất, việc này dựa trên tiềm năng phát triển của giao thông đường thủy của TP. Thứ hai, nó sẽ giúp phát huy bản sắc văn hoá, bản sắc giao thông của vùng đất. Thứ ba, hiện giao thông đường thủy của chúng ta đang rất kém, dù chúng ta có xe buýt đường thủy nhưng nó mang ý nghĩa du lịch nhiều hơn chứ không phải là nhu cầu và không thể giải quyết nhu cầu của người dân.

Bài học về giao thông đường thủy thì ở chung quanh chúng ta có rất nhiều. Tôi nghĩ nên kết nối giao thông đường thủy ngay trong nội ô của TP, theo sông Sài Gòn và theo những con kênh, rạch lớn của TP, ví dụ như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé. Đó là bài toán mà trong tương lai gần TP phải giải quyết.

Đặc biệt, ta nên kết nối nội ô TP với huyện Cần Giờ, là cửa biển và từ cửa biển đó sẽ kết nối với quốc tế. Đây là việc mà tôi nghĩ TP nên hướng tới và nên bắt đầu từ bây giờ để có thể đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.

TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCMẢnh: BẢO PHƯƠNG

Việc phát triển giao thông đường thủy là rất cần thiết. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Làm sao thúc đẩy “kinh tế văn hóa”?

. Phóng viên: Ở các nước phát triển, “kinh tế văn hóa” là một vấn đề được quan tâm, đầu tư. Hiểu nôm na là khai thác kinh tế từ các hoạt động văn hóa, các sản phẩm văn hóa.

Khu bến Bạch Đằng với chiều dài lịch sử đặc trưng, có nhiều câu chuyện văn hóa ly kỳ... Bên cạnh việc phát triển thành một không gian công cộng cho người dân thụ hưởng thì TP cần tiến hành các hoạt động kinh tế văn hóa nào để tạo nguồn thu, tái đầu tư phát triển khu vực này ngày càng đẹp, hiện đại và hấp dẫn hơn?

+ PGS. TS NGUYỄN NGỌC THƠ: Tôi nghĩ bản thân Bến Bạch Đằng đã mang những giá trị lịch sử văn hoá và nó được kế tục từ thời xây dựng TP hơn 300 năm trước.

Bến Nghé, Bến Bạch Đằng - Bến Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm được cứu nước. Ngoài ra còn có Cột Cờ Thủ Ngữ, những khách sạn, tòa nhà cổ và đặc biệt là tượng Đức thánh Trần ở Công trường Mê Linh đã tạo nên một không gian kết nối và rất liên tục về mặt lịch sử, địa lý.

Bản thân Bến Bạch Đằng đã là di sản và việc chúng ta tổ chức khai thác tuyến buýt đường sông hoặc những tàu du lịch thì chính là mang lại giá trị kinh tế đồng thời đánh thức được giá trị, ý nghĩa về văn hóa, lịch sử.

Tôi nghĩ đây là mô hình rất phổ biến trên thế giới, muốn mang di sản và giá trị di sản đến gần với công chúng thì chúng ta phải khai thác nó và phương tiện khai thác hữu hiệu nhất là phát triển du lịch.

Điều này có thể giúp người dân thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Người ta tìm đến đây không hẳn là vì có nhu cầu đi xa mới đến mà chỉ là muốn cùng gia đình đến trải nghiệm một chuyến du lịch trên sông để lắng nghe TP. Điều này giúp làm phong phú đời sông văn hóa tinh thần của cư dân TP.

Công trình tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm ngay trung tâm quận 1, đối diện bến tàu buýt Bạch Đằng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Khu Bến Bạch Đằng thu hút ngày càng đông khách tham quan lẫn người dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG.

+ TS. NGUYỄN THỊ HẬU: Bến Bạch Đằng là không gian công cộng của TP và đã có lịch sử từ lâu đời. Ở đây thường xuyên diễn ra các hoạt động cộng đồng, kinh tế đến văn hóa nên chắc chắn nơi đây rất có tiềm năng phát triển về kinh tế và văn hóa.

Sau khi chỉnh trang, tôi cho rằng cần tái lập lại các hoạt động văn hóa cộng đồng tại đây và hoạt động này cần có sự tổ chức và điều tiết của Nhà nước để làm thật trật tự, an toàn.

Đi kèm với đó, các hoạt động phải mang lại lợi ích cho nhiều tầng lớp dân cư, không nên bó hẹp đây chỉ là nơi những người có khả năng, giàu có lui tới mà không bao gồm những người yếu thế bởi bến Bạch Đằng là nơi đại diện cho Sài Gòn, cho TP.HCM về mặt lịch sử và văn hóa.

Tôn tạo, kết nối giá trị từ xưa đến nay

“Trong không gian văn hóa, lịch sử, trong quần thể trên bến dưới thuyền, chúng ta cần đầu tư tôn tạo, kết nối giá trị từ xưa đến nay, đó là nhiệm vụ hàng đầu mà lãnh đạo và doanh nghiệp cần làm.

Việc làm sao ngày càng phát huy và giữ sự ổn định thì chúng ta cần tạo ra không gian hài hòa giữa văn hóa – lịch sử – kinh tế, để có thể đạt được giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và giá trị hội tụ cộng đồng, phát huy được di sản Sài Gòn.

Chúng ta phải làm các hoạt động kinh tế, văn hóa hài hòa không bị mai một theo thời gian.

Giống như chương trình xe buýt đường sông diễn ra ngay tại Bến Bạch Đằng, từ đây chúng ta có thể đi được tất cả các hướng của TP về Bắc, Nam, Đông, Tây.  

Song song đó, chúng tôi cũng giữ ổn định giá vé tàu buýt là 15.000 đồng ngay cả khi trong tình hình giá nguyên liệu tăng cao.

Tôi tin các nhà quy hoạch sẽ luôn đi theo tính hợp lý, như một nhà quy hoạch đã nói tại diễn đàn TP Thủ Đức là quy hoạch phải đời thường, dựa vào thực tiễn, quy hoạch vì giá trị và đề xuất doanh nghiệp vì chính doanh nghiệp là người tạo nên cái cần để thực hiện công tác quy hoạch và cũng cần làm dựa trên đóng góp ý kiến của người dân”. Ông NGUYỄN KIM TOẢN, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, Chủ đầu tư các tuyến Water bus

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm