“Ba, dậy đi, 5 giờ rồi! Tối qua ba nói sáng nay cha con mình ra bến xe chờ mẹ về mà”…
Người mẹ được nhắc trên là một người tù ở phân trại 5, trại giam Z30A (Xuân Lộc, Đồng Nai). Còn chồng, con chị đang ở tại nhà bà nội của cháu ở quận Tân Bình (TP.HCM).
Trắc trở cuối cùng
Sáng sớm 30-8, trong khi đứa con trai 12 tuổi lay cha dậy để kịp ra bến xe đón mẹ về thì ở buồng giam nữ, chị đã ôm chiếc giỏ đứng ngồi không yên. Suốt đêm qua chị không ngủ. Khi tiếng kẻng báo thức vang lên, mọi thứ chị đã chuẩn bị sẵn sàng. Mà cũng chẳng có gì phải chuẩn bị, hành trang chỉ là bộ quần áo dân sự để lát nữa khi trút bỏ bộ đồ tù chị sẽ mặc vào về với đời thường. Hơn bốn năm thụ án, giây phút này chị bỗng căm ghét thời gian vì cảm giác như nó đang đứng yên một chỗ…
Trong lúc ngồi xe từ phân trại 5 (ở Long Khánh, Đồng Nai) qua trại chính ở Xuân Lộc, chị ước gì lễ công bố quyết định đặc xá chỉ kéo dài 1 phút, ước gì người ta trao ngay quyết định ra tù để chị về ngay với gia đình. Nhưng buổi lễ vẫn phải tiến hành đúng thủ tục. Chị ngồi đó giữa những bạn tù cùng được đặc xá, chẳng nghe chẳng thấy gì, ngoại trừ lúc giám thị xướng tên những người được đặc xá. Trước khi đó chị thoáng chút lo lắng: “Biết đâu phút chót tên mình bị gạt ra!”.
Từ sáng sớm ngày 30-8-2010, ngoài cổng trại giam Z30D đã có rất đông thân nhân những người tù được đặc xá chờ đón. Ảnh: THANH NHÃ
Cuối cùng thì buổi lễ cũng xong. Chị nhanh chóng trút bỏ bộ áo tù, khoác lên mình bộ quần áo đời thường, kết quả của hơn bốn năm trời ước mong, phấn đấu. Rồi lăn tay, nhận quyết định. Rồi đứng vào hàng chờ ra xe theo trình tự. Vài dòng địa chỉ trao tay của những bạn tù. Bỗng chị nhớ ra một điều: Cần phải nói lời cám ơn với những người cán bộ…
Đến cái thời khắc ấy chị mới “á” lên vì sự nhầm lẫn đáng tiếc của mình: Chị đã không nhắn chồng lên tận nơi để đón mình về. Hôm qua, khi nghe cán bộ thông báo sẽ có xe của trại đưa về tận Bến xe Miền Đông, chị đã gọi nhờ điện thoại kêu chồng đón mình ở đó, thay vì phải lên tận nơi để đón như đã nhắn trước đó. Chị quên mình chưa có hộ khẩu ở TP.HCM nên không được bố trí đưa về trên xe này…
9 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi từ chồng chị. Anh hỏi sao đến giờ chưa thấy cô ấy về, cũng chẳng gọi điện thoại báo gì cả. “Thằng bé đứng ngồi không yên, cứ luôn miệng hỏi sao giờ này mẹ chưa về đến” - anh nói. Tôi bảo ở trại đang còn làm thủ tục, có lẽ phải xế trưa chị mới đến nhà.
2 giờ chiều, anh lại gọi hỏi. Tôi trả lời đông quá, tôi không gặp được nên cũng không biết chị đã đi bằng xe gì. Anh nói: “Hai cha con tôi vẫn đang đợi ở bến xe, thằng bé nhứt định không chịu ăn cơm, nó một hai cứ bảo đợi mẹ về ăn cùng”.
7 giờ tối. Anh gọi điện thoại báo chị đã về đến nhà. “Cả nhà mừng lắm. Cô ấy phải đón xe đò mấy bận. Thằng nhóc ôm cổ mẹ từ nãy tới giờ…”.
Rũ nợ
“Năm 18 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hà Tĩnh xong, tôi vào TP.HCM ôn thi đại học. Rớt đại học, tôi quay sang làm công nhân may, rồi gặp ông xã. Cưới xong cả hai ra riêng mở quán nước ở gần Bến xe Miền Tây kiếm sống. Buôn bán ế ẩm, nghe lời rủ rê, xúi giục của mấy quán gần, bí quá, vợ chồng tôi làm liều mở quán bia ôm. Rồi khách yêu cầu, vợ chồng tôi hám lợi chứa luôn gái mại dâm. Thế là bị bắt, chồng tôi bị kết án năm năm tù, tôi bốn năm. Do đang nuôi con nhỏ nên tạm thời tôi được cho tại ngoại. Đến khi chồng được đặc xá về, tôi lại phạm sai lầm thêm lần nữa khi lấy trộm chiếc điện thoại trị giá 800.000 đồng. Lần này tôi bị xử ba năm tù về tội trộm cắp tài sản, cộng với mức án cũ nữa là bảy năm tù…”.
Phút giây hội ngộ. Ảnh: THANH NHÃ
Buổi chiều, trước ngày công bố lệnh đặc xá, chúng tôi được giám thị cho tiếp xúc với một số phạm nhân. Chị kể câu chuyện đời mình bằng giọng trầm buồn, ráo hoảnh. Chị nói ai cũng từng có lúc sai lầm, mờ mắt trước đồng tiền. “Nên những ngày trong trại, tôi cố nghĩ thôi thì đằng nào mình cũng phải trả xong phần nợ. Không trả trước cũng trả sau. Nghĩ vậy nhưng thời gian đầu nhớ chồng, nhớ con có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả”.
Cho đến một ngày, chị kể, chồng chị lên thăm mang theo lá thư của đứa con trai bảy tuổi. “Thư viết trên giấy học trò, vỏn vẹn hai câu: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng mau về với con. Anh biết không, chỉ có hai câu nhưng thằng bé viết sai lỗi chính tả ở từ cố gắng, có lẽ ở nhà ba nó thấy sai nên kêu nó sửa lại, nét chữ ngô nghê của con trẻ làm lòng tôi quặn thắt. Thế là từ đó tôi luôn cố gắng làm tốt mọi điều nội quy trong trại. Dù đi lao động chân tay hay lúc được phân làm tổ trưởng tự quản, tôi đều chấp hành nghiêm túc yêu cầu của cán bộ. Ngày cũng như đêm, tôi luôn ngóng trông mình sớm ra tù, trở về làm lại cuộc đời, dù có khó khăn khổ cực đến đâu cũng quyết không phạm phải sai lầm thêm lần nào nữa. Miễn sao có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng…”.
Tôi hỏi chồng chị có biết tin chị được đặc xá đợt này chưa, chị nói mấy ngày trước có nhắn với chồng nhưng do chưa biết chắc chắn nên cũng không nói rõ. Xin phép cán bộ trại, tôi bấm số gọi vào điện thoại di động của chồng chị. Đầu dây bên kia là tiếng của một người phụ nữ, người này xưng là vợ của… chồng chị, rằng anh không có nhà, có gì nhắn lại. Nghe tôi kể, chị thoáng sa sầm, rồi nhanh chóng ngẩng đầu: “Thời gian trong trại đã trui rèn cho tôi ít nhiều can đảm. Nếu quả thật anh ấy có thế thì… cũng không sao”. Không sao nhưng chị lại im lặng, mặt buồn thiu…
Điện thoại tôi rung lên, hiện số của chồng chị. Chị cầm máy, nói chuyện huyên thuyên, nét mặt rạng ngời. Xong, chị trả điện thoại và nói ngay: “Lúc nãy là cô em chồng!”. Thảo nào tôi nghe có tiếng trẻ con, là con trai chị…
Ngày về
“Gia đình tôi không chấp nhận có đứa con hư từng bị tội tù, các cụ nghiêm lắm. Cũng may phía gia đình chồng dang rộng vòng tay. Những ngày trong tù nhiều người vẫn gửi tiền cho chồng tôi thăm nuôi đều đặn. Mẹ chồng tôi bảo: “Nhà ta đều là cán bộ nhà nước, tụi bay lỡ dại một lần, giờ về ráng lo tu tỉnh làm ăn đặng còn lo cho con cái học hành”” - chị kể những ngày mới về nhà đứa con trai cứ bám riết lấy mẹ. Đi đâu nó cũng đòi theo, cứ như sợ mẹ nó lại bỏ đi lần nữa.
Sau nhiều lần hẹn, chồng chị đồng ý gặp tôi chuyện trò. Anh kể rành rọt chuyện làm ăn sau ngày ra tù dạo trước, rằng anh từng hùn tiền mở quán hát với nhau nhưng một thời gian dài làm ăn không hiệu quả. “Bây giờ tạm thời tôi làm “dân biểu”, ai biểu đâu tôi chạy đó” - anh nói vui về cái nghề chạy xe ôm của mình - “Cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nhưng đó là nghề lương thiện. Chờ vợ tôi nghỉ ngơi ít ngày chắc chúng tôi sẽ mở quán ốc, chúng tôi sẽ làm lại cuộc đời để xóa bỏ cái quá khứ lỗi lầm của một thời nông nổi”.
Tôi sẽ dắt con đến trường Có một điều cả hai vợ chồng muốn PV phải hứa, đó là không đưa tên tuổi và hình ảnh của họ lên báo. “Chúng tôi thì không sao, chỉ sợ thằng bé bị bạn bè trêu chọc, ảnh hưởng đến chuyện học hành, có gì chúng tôi ân hận chết” - anh nói thật lòng. Chị bảo đáng lẽ phải về Hà Tĩnh để trình diện ngay với chính quyền nhưng chị đã gọi điện thoại hẹn thêm mấy ngày để ở lại lo thủ tục nhập học cho con. “Tôi muốn tự mình dắt con đến trường trong ngày khai giảng, được tận mắt nhìn thấy cháu tung tăng giữa đám bạn bè như con cái của bao gia đình ấm êm, hạnh phúc khác” - chị nói. |
THÁI BÌNH