Đường về

Ở đó có sự quyết tâm, có sự nỗ lực của bản thân, có sự tiếp sức của tình yêu thương gia đình…

“Đây là nhà bác Non thợ mộc” - một cháu bé ở thôn Nhơn Bông, xã Ayun, Mang Yang (Gia Lai) lanh lợi trả lời khi chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Trần Văn Non, người từng mang trên mình bản án tù chung thân.

Mảnh đất tình người

Một mái nhà đơn sơ, không có gì ấn tượng lắm ngoại trừ một phân xưởng nhỏ đủ để một bộ máy cưa xẻ cho thấy chủ nhân của nó là thợ mộc chuyên nghiệp.

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đã đứng tuổi. Thấy khách lạ, ông bước ra, tươi cười chào, xởi lởi như đón khách đến mua hàng. Biết mục đích của chúng tôi, ông không tỏ ra e ngại, khó chịu như chúng tôi đã nghĩ lúc đầu. Ngược lại, ông thành thật bắt đầu câu chuyện như một lời tâm sự.

“Thật tình tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ. Quá khứ với tôi là một chuỗi nỗi buồn khó có thể gột rửa. Bài học cho tôi trong quãng thời gian còn lại cũng là lời nhắc nhở với các con về những gì tôi phạm phải.”

Ngày ấy, ông vừa 25 tuổi tròn, tất cả mơ ước tràn đầy phía trước. Tuổi thanh niên ngông cuồng, dại dột, vì tham gia cướp tàu biển, ông bị tòa tuyên phạt 15 năm tù. Vào trại, bản tính lì lợm, ông không chịu tu chí cải tạo. Trốn trại, bị bắt, bị phạt tù, lại trốn trại, lại bị bắt, bị phạt tù… Cứ thế, án chồng lên án, lần cuối cùng ông bị phạt tù chung thân.

Đường về ảnh 1

Ông Non bên chiếc máy cưa đã giúp ông nuôi cả gia đình (trái). Vợ chồng ông Hồng trong mái ấm hạnh phúc.

“Tôi đã nghĩ quẩn, không thiết sống nữa, mấy lần tự tử hụt. Nhưng rồi tôi được một quản giáo tốt động viên, dần dần tôi hồi tâm và giác ngộ. Sau nhiều lần được giảm án vì tích cực cải tạo, tôi được đặc xá sau 20 năm thụ án. Ngày ra tù, tôi không muốn muối mặt trở về quê nên định cư luôn ở đây. Rồi năm 1999, tôi được gặp người bạn đời của mình”.

Kể đến đây, ông dừng lại, nhìn xa xăm, hồi tưởng về quá khứ… Một lúc, như bừng tỉnh, ông lập cập rót nước mời khách, cười ngượng nghịu.

Ngày ông hoàn lương, bao vui buồn, mặc cảm lẫn lộn. Cuộc sống của một người dường như tứ cố vô thân có bao khó khăn chồng chất, không ít lời dị nghị về “thằng tù chung thân” nhưng người bạn đời của ông luôn sát cánh bên cạnh.

Ông bắt đầu việc mưu sinh nhờ nghề mộc học từ trước khi vào trại. Bắt đầu từ việc giúp dựng nhà, dựng cửa cho láng giềng, rồi đóng cái thùng, cái ghế đến cái bàn, cái tủ… Ông làm kỹ và cẩn thận, luôn giao hàng đúng hẹn nên người tìm đến đặt hàng ngày càng đông.

Từ nghề mộc, vợ chồng ông cần kiệm tích cóp được một khoản tiền mua 3 ha đất trồng cà phê để có thêm nguồn thu nhập. Rồi hai đứa trẻ lần lượt ra đời, hạnh phúc của họ càng thêm bền vững. “Chúng ngoan, học khá lắm, các anh ạ! Vất vả thế nào vợ chồng tôi cũng phải cho chúng ăn học đến nơi đến chốn” - ông cười rạng rỡ.

“Đất và người ở đây đã cưu mang tôi. Sau bao năm làm lụng, giờ tôi đã có một gia đình êm ấm, một cuộc sống bình thường, được bà con lối xóm tôn trọng. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ là đừng bốc đồng như tôi một thời, làm những điều sai trái để đánh mất tuổi xuân không bao giờ tìm lại được” - người đàn ông 55 tuổi này đã kết thúc câu chuyện đời mình như thế.

Tình yêu khép lại quá khứ

Nhìn từng luống mì mơn mởn xen giữa hai hàng cà phê xanh um thẳng tắp, khó ai nghĩ đó là công sức từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn của một người từng bị kết án tù chung thân về tội giết người.

Phạm Ngọc Hồng, 52 tuổi, quê Hoài Nhơn (Bình Bịnh). Năm 1976 đi chiến trường K. Tính ngang tàng, gặp mâu thuẫn, vác súng bắn chết người. 18 năm trong tù, hết trại Bình Khương (Quảng Ngãi) đến trại Gia Trung (Gia Lai)… Chúng tôi đã không thể hình dung ra người đàn ông đen sạm, gầy gò, đầy vẻ lam lũ này lại có một lý lịch trích ngang khá dữ dội như vậy.

“18 năm trong tù là một bài học đắt giá về đạo làm người. Năm 1997, tôi ra trại, cũng mặc cảm không quay về quê mà quyết định ở lại lập nghiệp trên mảnh đất Ayun này. Thoạt đầu, tôi cũng chỉ mong ước đem sức làm thuê kiếm cơm qua ngày. Nhưng với sự bao dung tình người nơi vùng đất mới, tôi cũng đã gặp một cô gái. Cô ấy nhỏ hơn tôi 16 tuổi nhưng vượt qua bao rào cản, dị nghị, quyết tâm cùng tôi nên vợ nên chồng”.

Tình yêu đã thật sự chắp cánh cho ông gầy dựng lại cuộc đời. Gia đình bên vợ hỗ trợ đất đai để ông trồng mì, trồng cà phê. Người vợ ở nhà mở quán tạp hóa, thu nhập bình quân của gia đình hơn 30 triệu đồng/năm. “Bây giờ tôi cũng đã có hai cháu. Thấy chúng ngoan ngoãn, mình cực mấy cũng vui, các anh ạ!”.

Một số phận cũng đáng chú ý không kém là ông Hoàng Quốc Dự, 49 tuổi, ở thôn Nhơn Tân, xã Đak Tơ Ley. Trong căn nhà khá tươm tất, ông Dự hồi tưởng về quá khứ: “Quê tôi tận Mỹ Đức (Hà Nội). Năm 1981, sĩ diện với thanh niên trong làng, tôi đã làm chết người. Với mức án 12 năm ở trại Gia Trung, tất cả tưởng chừng như chấm hết. Mẹ tôi quá đau buồn đã lâm bệnh mà chết, tôi lỗi đạo làm con khi ngày mẹ đi không một nén hương. Rất may là nhờ sự giáo dục của cán bộ trại, tôi càng hiểu thêm giá trị cuộc sống, giá trị tuổi trẻ mà mình đã đánh mất. Ra trại, tôi quyết tâm làm lại tuy đã muộn. Nhưng để có được như ngày hôm nay phải kể đến cô ấy”.

Vừa nói ông Dự vừa nhìn sang người vợ đang rót nước mời khách: “Cô ấy kéo tôi ra khỏi vực thẳm tội lỗi bằng lòng bao dung của phụ nữ. Ngày đó, chúng tôi chỉ có một túp lều lợp lá cót lụp xụp giữa khu đất trống mẹ vợ cho. Hằng ngày, có khi chúng tôi thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để cơm nắm đi làm thuê, dỡ đất trồng mì. Có những não lòng vì giá mì rẻ như bèo, vợ chồng tôi đã tính chuyện bỏ xứ mà đi nhưng cũng chẳng biết đi về đâu. Cô ấy lại động viên ở lại làm lụng”...

Nhờ nỗ lực ở nơi quê hương thứ hai, đến nay ông Dự đã có một đồi mì bạt ngàn nhìn hút tầm mắt, hơn 2 ha cà phê, năm sào ruộng và một đàn bò chín con. Mỗi năm gia đình ông thu về không dưới trăm triệu đồng…

Chia tay những con người thiện lương này, chúng tôi để lại đằng sau những tiếng cười thân thiện, xởi lởi. Chiều. Nắng vàng óng trải dài làm các con đường nhỏ dường như rộng hẳn ra...

Khép lại quá khứ tội lỗi, vượt lên mặc cảm đời thường để gầy dựng lại cuộc đời là cả một hành trình hướng thiện nhọc nhằn. Ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân, họ đã thật may mắn khi có được sự tiếp sức của tình yêu thương gia đình!

LÊ VĂN NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm