Chiều 25-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên đường sang Tokyo trong chuyến công du ba ngày.
Phát biểu tại sân bay quốc tế Manila trước khi lên máy bay sang Nhật, ông Duterte tiếp tục dọa sẽ hủy bỏ Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ và Philippines đã ký kết năm 2014.
Kênh truyền hình ABS-CBN đưa tin ngay khi đặt chân đến Tokyo vào tối 25-10, ông tiếp tục chỉ trích Mỹ trong buổi tiếp xúc với cộng đồng kiều dân Philippines tại Nhật.
Ông lặp lại thái độ bực bội trước chỉ trích của Mỹ và EU đối với cuộc chiến chống ma túy của ông.
Trước chuyến thăm Nhật của ông Duterte, hãng tin AP đưa tin Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida thừa nhận Nhật có quan tâm đến các tuyên bố bài Mỹ của ông Duterte.
Cộng đồng Philippines chào đón Tổng thống Duterte ở Tokyo tối 25-10. Ảnh: REUTERS
Ông nói với báo giới rằng ông và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ trực tiếp hỏi xem ý định thực sự của Tổng thống Duterte là gì.
Kyodo News đưa tin ngày 26-10, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hội đàm với Tổng thống Duterte.
Trong hội đàm, Thủ tướng Abe sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ở biển Đông.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga tuyên bố: “Nhật mong muốn tận dụng cơ hội chuyến thăm của tổng thống Philippines để cổ súy hợp tác trong giải quyết vấn đề biển Đông”.
Kyodo News cho biết Nhật mong muốn khẳng định với Philippines tầm quan trọng của pháp quyền về Luật Biển, trong đó có tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trong hội đàm với ông Duterte, Thủ tướng Abe sẽ nêu lên khoản viện trợ cải thiện năng lực tuần tra hàng hải cho Philippines, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nông nghiệp ở đảo Mindanao.
Trong khi đó ngày 24-10 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thông báo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố vẫn tin tưởng Mỹ và Philippines có thể làm việc với nhau.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Trong điện đàm, ông John Kerry đã bày tỏ quan tâm đến tuyên bố chia tay với Mỹ của Tổng thống Duterte.
Trước đó, Trợ lý bộ trưởng Mỹ Daniel Russel đã đến Philippines hội đàm với ông Perfecto Yasay nhằm làm rõ tuyên bố của Tổng thống Duterte.
Người phát ngôn John Kirby tuyên bố cả hai ông John Kerry và Daniel Russel đều tuyên bố rõ Mỹ vẫn giữ ý định tiếp tục tôn trọng các cam kết về an ninh với Philippines, đồng thời phía Philippines cũng đã cam kết duy trì quan hệ.
Reuters ngày 25-10 dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết tàu khu trục USS Decatur của Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải hôm 21-10 ở biển Đông theo lệnh của bộ chỉ huy Hạm đội 3 tại San Diego. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hạm đội 3 chưa từng chỉ huy tàu ở châu Á và đây là lần đầu tiên tàu của Hạm đội 3 hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông. Hai nguồn tin trên cho biết với hoạt động lần này của tàu USS Decatur, hải quân Mỹ muốn thử nghiệm song song hoạt động hàng hải trên hai mặt trận cùng lúc ở châu Á (bán đảo Triều Tiên và Philippines).Người phát ngôn Hạm đội 3 ở San Diego xác nhận tàu USS Decatur là một trong ba tàu thuộc Nhóm Hoạt động mặt biển (SAG) triển khai ở biển Đông cách đây sáu tháng. ______________________________ 80 tàu thuộc Hạm đội 7, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan. Hạm đội 3 có hơn 100 tàu với bốn tàu sân bay. Hạm đội 3 đóng ở San Diego phụ trách bờ tây nước Mỹ và Alaska, còn Hạm đội 7 đóng ở Yokosuka (Nhật) phụ trách châu Đại Dương, Đông Nam Á, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố sẽ đưa Hạm đội 3 đến châu Á-Thái Bình Dương hỗ trợ cho Hạm đội 7. |