Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ hôm 21-10 đến gần hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc (TQ) đang chiếm đóng trái phép.
Củng cố giá trị phán quyết PCA và lòng tin đồng minh
Phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest nói rằng thông điệp của chuyến tuần tra lần này là TQ không thể ngăn cản hay hạn chế một cách bất hợp pháp quyền di chuyển trên biển, tự do hàng hải và việc vận dụng luật quốc tế hợp pháp đối với Mỹ và những nước khác.
Trong khi đó Lầu Năm Góc tuyên bố chuyến tuần tra của tàu USS Decatur là một hoạt động bình thường và không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest nói rằng thông điệp của chuyến tuần tra lần này là TQ không thể ngăn cản quyền tự do hàng hải.
Kể từ khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ Philippines kiện TQ về yêu sách của TQ tại biển Đông, khẳng định Đường chín đoạn là vô lý, đây là lần đầu tiên phía Mỹ có hành động cụ thể trên thực địa.
Đây cũng là lần thứ tư trong năm 2016, Mỹ thực hiện tuần tra biển thách thức yêu sách của TQ. Dù không đề cập đến phán quyết của PCA nhưng trong bối cảnh ông Duterte tuyên bố “phán quyết PCA đơn thuần là một mảnh giấy” với Bắc Kinh, thì Lầu Năm Góc nhắc lại tính hợp pháp hoạt động tuần tra, qua đó củng cố giá trị phán quyết, phủ định yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh, vốn ôm lấy 90% biển Đông.
Chuyến tuần tra cũng có ý nghĩa với những chuyển dịch “phá băng” trong quan hệ giữa Philippines và TQ thời gian qua.
Trước chuyến tuần tra một ngày (20-10), tổng thống Duterte tại Bắc Kinh tuyên bố “chia tay Mỹ” (dù sau đó được vị này giải thích lại), đồng thời gác vấn đề biển Đông để thương thuyết với TQ hàng chục cam kết với tổng số tiền lên đến 13,5 tỉ USD.
Các nguồn tin tiết lộ trên Reuters và sau đó được ông Duterte xác nhận Manila và Bắc Kinh đã đạt được các thỏa thuận về khai thác cá tại bãi cạn Scarborough. Trước đó không lâu, Manila tuyên bố không tập trận chung với Washington tại biển Đông và dọa cắt các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ.
Việc tàu Mỹ tuần tra ngay sau chuyến thăm của ông Duterte đến TQ như một thông điệp khẳng định lại cam kết hiện diện của Mỹ tại khu vực nhằm đảm bảo an ninh và tự do trên biển - điều mà Manila cần thận trọng khi quá hào hứng trước những đề xuất làm ăn mà TQ đưa ra.
Chuyến tuần tra có giá trị “cộng hưởng” với tuyên bố từ phía Mỹ hồi đầu tháng 10 vẫn tiếp tục quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Philippines bất kể có tập trận chung với Manila ở biển Đông hay không.
“Chúng tôi đang nỗ lực vượt qua (những trở ngại với Philippines). Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn trong lịch sử quan hệ Philippines - Mỹ”, Trợ lý Ngoại trưởng MỹDaniel Russel nói.
Vị này cho biết đang kết hợp với Đô đốc Harry Harris (Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương) và Đô đốc Scott Swift (Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương) đảm bảo rằng quan hệ quân sự và hợp tác quốc phòng với Philippines vẫn sẽ tiếp diễn bình thường.
Ngay sau chuyến tuần tra, phát biểu tại Philippines, Daniel Russel một lần nữa khẳng định quan hệ hai nước: “Mỹ vẫn là đối tác bền vững và đáng tin cậy của Philippines. Chúng tôi sẵn sàng đảm bảo các cam kết của chúng tôi” - The Wall Street Journal đưa tin.
Việc Mỹ chọn tuần tra ở biển Đông cũng có ý nghĩa phủ định yêu sách vô lý của TQ tại vùng biển này, cảnh báo các hoạt động gia tăng căng thẳng TQ có thể tiến hành tại khu vực.
Thúc đẩy Úc can dự sâu hơn tại biển Đông?
Nhiều quan chức Mỹ đang thức giục Úc tiến hành tập trận với Mỹ và tuần tra biển Đông.
Việc tiến hành tuần tra biển Đông trong thời điểm hiện nay có khả năng thúc đẩy quá trình can dự đảm bảo an ninh và tự do hàng hải tại biển Đông của một số đồng minh lẫn đối tác của Mỹ ở khu vực.
Nhiều quan chức Lầu Năm Góc đang thúc giục nước Úc tiến hành tập trận với Mỹ và tuần tra biển Đông. Tháng trước, Dennis Blair, một quan chức an ninh cấp cao của Mỹ kêu gọi Lực lượng Quốc phòng Úc cùng tham gia tập trận tại biển Đông cùng với Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng tàu Úc và Mỹ nên tiến hành tập trận cùng với nhau tại biển Đông. Điều đó cho thấy trong trường hợp cần thiết thì cả hai nước đều có thể chuyển các lực lượng vụ trang của họ đến vùng biển và vùng trời quốc tế” - vị này nói trên ABC’s Four Corners.
Một số ý kiến lo ngại rằng việc tham gia tập trận của Úc sẽ gây khó khăn cho nước này vì TQ đã nhiều lần cảnh báo. TQ được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Úc thời gian qua. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá đúng mức quan hệ đồng minh của Úc đối với Mỹ. Xung đột biển Đông không đơn giản là cuộc chơi của TQ và các nước trong cuộc, bởi yêu sách của TQ ảnh hưởng đến an ninh của cả khu vực bao gồm cả Úc.
GS Jonathan Odom (Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Honolulu, Mỹ) nhận định Úc có vai trò vô cùng quan trọng (cùng với Mỹ) trong việc gìn giữ hòa bình tại khu vực.
Cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines sự hiện diện của Úc tại biển Đông sẽ đảm bảo một lực lượng quân sự đủ mạnh để đảm bảo an ninh khi cần thiết.
Cốt yếu của việc giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và biển Đông nói riêng không phải là “xử lý xung đột khi xảy ra”, mà là ở chỗ duy trì được các phương án tốt nhất ngăn chặn các kịch bản biến cố xảy ra.
Úc là một trong những quốc gia có tiềm lực hải quân mạnh, có lực lượng lính thủy đánh bộ hoạt động ở vùng biển xa (blue-water navy) nên trách nhiệm đảm bảo hòa bình quốc tế càng được Mỹ và các nước trong khu vực kỳ vọng.
Phản ứng của VN về hoạt động của tàu khu trục Hoa KỳNgày 24-10-2016, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về hoạt động của tàu khu trục Hoa Kỳ USS Decatur ngày 21-10-2016 tại khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh: Là quốc gia ven biển Đông và quốc gia thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia cần phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. “Việt Nam nhấn mạnh tất cả quốc gia cần có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương” - ông Bình nói. |