Duyên nợ Anh - Đức

Và món nợ lớn nhất giữa hai làng bóng tên tuổi chính là trận chung kết World Cup 1966 trên sân Wembley diễn ra đã 55 năm rồi.

Nhưng vì sao trải qua nhiều thời kỳ, mối hận của hai nền bóng đá cứ phải xuất phát từ trận chung kết đấy?

Nếu người Anh từng uất hận vì “bàn tay của Chúa” mà Maradona dùng tiểu xảo để giải quyết trận knock out căng thẳng ở World Cup Mexico 1986 thì người Đức đến giờ vẫn hậm hực bởi “bàn thắng ma” giết họ trong trận chung kết World Cup 1966 tại Wembley. Đó là bàn thắng của Geoff Hurst ghi trong trận chung kết khi bóng đá còn “sống” bằng nhận định của trọng tài và phải vài chục năm sau FIFA mới đưa công nghệ goal line hay VAR vào để phân xử.

“Bàn thắng ma” đến từ cú đá rất mạnh của Geoff Hurst đưa bóng đập xà đội tuyển Đức dội vạch cầu môn và lập tức tổ trọng tài công nhận bàn thắng cho chủ nhà Anh. Các cầu thủ Đức vây lấy những ông vua áo đen, kịch liệt phản đối nhưng vô vọng. Nhân vật chính đưa đến quyết định bàn thắng trên không phải là trọng tài chính mà là trợ lý người Azerbaijan - ông Tofiq Bahramov, người mà khi trọng tài chính tham khảo thì ông kiên quyết là bóng đã qua vạch cầu môn (tất nhiên chỉ bằng mắt thường).

Người Đức hậm hực, người Anh tự hào và thậm chí là bút chiến giữa hai phe truyền thông rồi khẩu chiến giữa hai nền bóng đá… Tuy nhiên, đến nay tức đã 55 năm thì đó vẫn chỉ là nghi án dù người Đức khi nhắc đến vẫn còn hận ông trợ lý cầm cờ giữ nguyên quyết định có lợi cho chủ sân Wembley.

Thế nhưng có một điều thú vị là ở quê hương mình, ông Bahramov nổi tiếng đến mức được chính phủ lấy tên đặt cho sân vận động quốc gia tại thủ đô Baku. Đó cũng là lý do người Đức rất ghét đến Baku thi đấu vì nó nhắc nhớ lại vị trọng tài mang nỗi hận cho bóng đá Đức. Năm 1993, trọng tài Tofic Bahramov qua đời nhưng nghi án về “bàn thắng ma” vẫn luôn là bí ẩn không lời giải được ghi trong một phần lịch sử bóng đá thế giới.

Đêm 29-6, Đức - Anh gặp lại nhau cũng trên sân Wembley lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử. Lần này thì người Anh muốn khẳng định chức vô địch thế giới 55 năm trước là xứng đáng chứ chẳng có ngôi vô địch nào bị đánh cắp cả. Còn người Đức lại muốn có một trận cầu sòng phẳng với những công nghệ hiện đại thì đừng hòng có “bàn thắng ma” nào hiện hữu. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm