Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần gần như bất động, giao dịch phổ biến quanh ngưỡng 1.786 – 1.789 USD/ounce, chưa thể lấy lại mốc 1.800 USD/ounce.
Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49,3 triệu đồng/lượng. So với giá chốt phiên cuối tuần trước, hiện giá vàng trên thị trường thế giới giảm khoảng 10 USD/ounce, tương đương giảm khoảng 280.000 đồng/lượng.
Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm nhẹ, chỉ khoảng 50.000 đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào ở mức 56,6 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 57,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lại bật lên mức cao, quanh ngưỡng 8 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng trang sức khoảng 2,2 triệu đồng/lượng.
Một số nhà phân tích cho rằng, dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm sơm dự kiến. Theo một số nhà kinh tế, lạm phát gia tăng có thể sẽ khiến Fed hành động sớm hơn trong chương trình nghị sự tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 21-9 sắp tới.
Trước tình hình đó, giới đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ các thông tin để tìm kiếm các manh mối về thời điểm Fed thay đổi chính sách tiền tệ. Theo báo cáo trong sách BE của Fed công bố ngày 8-9, tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại trong tháng 7 và tháng 8-2021 do tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu cũng như những lo ngại về sự lây lan nhanh biến thể delta của COVID-19.
Nhu cầu nắm giữ vàng để phòng rủi ro của các nhà đầu tư gần đây có tăng lên, do biến chủng delta của COVID – 19 phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại, giá kim loại quý này đang chịu nhiều áp lực hơn từ sự hồi phục của đồng USD và xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương (ECB) thông báo sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu từ nay đến cuối năm nhưng không báo hiệu sẽ kết thúc chương trình này.