Sáng 24-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).
Giảm thời gian họp, giảm giấy tờ
Theo Văn phòng Chính phủ (VPCP), e-Cabinet sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ chức năng như cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet đã được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. e-Cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ bấm nút khai trương e-Cabinet. Ảnh: TN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên qua e-Cabinet. Ảnh: V.TH
Chính phủ điện tử = chuyên nghiệp, minh bạch
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu của hệ thống là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của mình.
e-Cabinet sẽ chống được tham nhũng vặt “Thói quen” cứ đòi dân, doanh nghiệp đến công sở, gặp mặt trực tiếp như Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng nói là “cơ sở” tạo ra tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt rất nguy hiểm, nó tạo ra sức ỳ rất lớn và dựng lên những rào cản kinh khủng như khi khởi nghiệp thì doanh nhân phải chi phí chính thức và phi chính thức… e-Cabinet sẽ chống được “thói quen” tham nhũng vặt. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP MAI TIẾN DŨNG |
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan vào việc giúp cho Chính phủ xây dựng chính phủ điện tử.
Ghi nhận nỗ lực của VPCP và các bộ, cơ quan liên quan, Thủ tướng cho rằng “không phải chúng ta đã hoàn thiện mà đây chỉ là bước thí điểm ban đầu quan trọng”. e-Cabinet là một phương thức làm việc mới của chúng ta nhưng trên thế giới, ở rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng chính phủ điện tử. Chúng ta phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công từ các chính phủ để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam.
“Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương” - Thủ tướng nói.
Dịp này, Thủ tướng đề nghị cần có khung cơ sở pháp lý để e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề chính ở đây là quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu VPCP tiếp thu, hoàn chỉnh hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu.
Nghị quyết đầu tiên từ e-Cabinet Ngay sau khi hệ thống e-Cabinet chính thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng sáu. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động. Các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, bốn người biểu quyết qua mạng). Sau đó, Thủ tướng đề nghị VPCP làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành nghị quyết. |