Nếu coi vấn đề tài sản ảo, xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm trước khi game online nở rộ là vướng mắc đầu tiên của thể chế trước sự phát triển của công nghệ, thì cho đến nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý nào để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Nhiều góp ý thẳng thắn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ vì thiếu khuôn khổ pháp lý
Trong khi đó, làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ào ào mang tới nhiều sắc thái mới của đời sống con người. Đó là mạng xã hội, là các loại tiền mã hóa, các mô hình kinh tế chia sẻ kiểu uber, grab… Thiết kế luật pháp truyền thống cho thế giới offline rõ ràng đã không thể bao quát hết cuộc sống online đang trở nên một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại.
Thách thức ấy đã được đưa ra thảo luận, mổ xẻ tại hội thảo quốc gia lần đầu tiên về “cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24-6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều bộ trưởng thành viên Chính phủ, và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội đã đến dự.
Đem đến câu chuyện, vướng mắc của chính mình, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley – một quỹ đầu tư hoạt động nhiều trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo cho biết hàng ngày thấy rõ nhiều cơ hội bị bỏ lỡ chỉ vì thiếu khuôn khổ pháp lý còn cơ quan quản lý lo xa, ngại rủi ro.
“Tiềm năng sáng tạo của giới trẻ rất lớn. Nhiều quỹ đầu tư ngoại sẵn sàng rót vốn thì lại vướng thủ tục. Còn cộng đồng Start up trong nước lại gặp nhiều rủi ro trong thủ tục hành chính, gọi vốn, mà câu chuyện tác giả game Flappy Bird Nguyễn Hà Đông gặp vướng mắc thuế là ví dụ”, bà Lê Anh nói.
Với dân số gần 100 triệu, trong đó 64 triệu người đã tiếp cận internet, và tốc độ tăng trưởng người sử dụng thiết bị di động, mạng xã hội 13-16% mỗi năm, gấp 1,5 lần mức bình quân thế giới, Việt Nam được đánh giá là thị trường lý tưởng cho khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực Fintech.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Phúc, sáng lập viên liên minh các dự án ứng dụng công nghệ ONPUN, do hệ thống luật pháp trong nước chưa sẵn sàng, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã sang Singapore, Malaysia, hay châu Âu để đăng ký doanh nghiệp. Điều này gây chảy máu chất xám, thất thu thuế…
Trong lĩnh vực huy động vốn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang sử dụng công nghệ chuỗi khối blockchain, phát hành các đồng xu làm công cụ kêu gọi vốn rất nhanh và dễ dàng. Đã xuất hiện các sàn giao dịch vốn đăng ký tại nước ngoài nhưng công khai huy động vốn trong nước, đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam, với sản phẩm phục vụ thị trường Việt Nam. Nhưng sự chưa sẵn sàng của luật pháp về quản lý đầu tư, quản lý dòng tiền xuyên biên giới, thuế dẫn tới nguy cơ gian lận, lừa đảo.
Vậy nên, theo ông Đặng Văn Phúc, Chính phủ cần mở ra cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế (sandbox) để tạo không gian hoạt động, phát triển cho các công ty công nghệ trong những lính vực chưa có quy định rõ ràng được phép thử nghiệm có sự giám sát các giải pháp của họ trên thị trường.
Đây là giải pháp đáp ứng nhu cầu vận động của nền kinh tế, sẵn sàng đón nhận những sáng tạo phi truyền thống, trong điều kiện chưa có ngay hành lang pháp lý chính thức. Các nước như Singapore, Anh, Hà Lan, Canada, Abu Dhabi… đều triển khai các sandbox như vậy.
Thủ tướng phát biểu trước các đại biểu tại cuộc hội thảo
Thể chế yếu kém làm nản chí người kinh doanh
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận Nhà nước chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn nhân lực tận dụng cơ hội đến từ làn sóng cách mạng công nghệ 4.0.
“Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới, sáng tạo và làm nản tâm huyết công hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phát mà còn tụt lại phía sau”, Thủ tướng nói.
Dẫn lại kế hoạch vừa được Facebook công bố liên quan đến đồng tiền điện tử Libra, được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ, Thủ tướng cho rằng các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh khi mà quan hệ xã hội diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng mỗi ngày. Thực tế cho thấy công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề của quốc gia và ngược lại.
Kể chuyện buổi sáng vừa khai mạc e-Cabinet, một phương thức làm việc mới của Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết ông đang thúc đẩy chuyển đổi Chính phủ số, và sẽ có những chỉ đạo chiến lược hướng tới một Việt Nam số, e-Vietnam, ở đó, tất cả các ngành nghề, lĩnh vực phải kết nối số.
Thủ tướng giao việc cho nhiều bộ Cho rằng các vấn đề của cách mạng 4.0 đã được bàn nhiều, nói nhiều, giờ là lúc chuyển hóa khát vọng vươn lên thành hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giao việc cho hàng loạt bộ. Cụ thể: Bộ Tư pháp được giao nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Ban hành văn bản pháp luật làm sao thuận lợi hóa cho quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường hiệu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương qua đó cải thiện năng lực phản ứng chính sách trước thực tiễn sôi động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tận dụng cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng, hoàn thiện đề án số hóa quốc gia. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, làm nền tảng cho công tác xác thực định danh, chia sẻ thông tin, dữ liệu an toàn, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đánh giá tác động và đề xuất chính sách về đồng tiền kỹ thuật số, ví điện tử; phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng đề án giáo dục tài chính để người dân, doanh nghiệp, chính quyền nâng cao nhận thức, hiểu biết và sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng hiệu quả. Bộ Thông tin Truyền thông tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu kết nối internet vạn vật trong thời gian sớm nhất; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong thúc đẩy thanh toán điện tử, bao gồm các hình thức thanh toán di động. Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp l uật thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia, trong đó chú trọng tính tương tác, kết nối, chia sẻ và khả năng thương mại hóa các ý tưởng nghiên cứu đổi mới, sáng tạo… Các đầu việc nêu trên sẽ là cơ sở để Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược lập pháp theo Nghị quyết 48 tham mưu một chiến lược dài hơi hơn cho giai đoạn tới. |