Lúc bị nạn, tôi đã tìm đến công an phường để trình báo và gửi gắm niềm tin, chút hy vọng họ sẽ vào cuộc truy bắt kẻ cướp giật. Nhưng qua nhiều kênh thông tin, qua thời gian chờ đợi thì niềm hy vọng mỏng manh ngày nào đã tắt hẳn.
Giấy tờ bị mất dần được làm lại từng món. Tài sản mất đi cũng dần được mua sắm cái khác thay thế. Sự tiếc của về những tài sản bị hẫng trên tay và nỗi căm tức kẻ cướp giật cũng dần nguôi ngoai theo thời gian, qua sự tự an ủi: “Thôi thì của đi thay người!”.
Có thể các anh công an vì có quá nhiều công việc cùng lúc nên phải chọn thứ tự ưu tiên. Cạnh đó, không phải vụ án nào cũng có thể điều tra, xử lý và truy bắt được tội phạm. Án mờ có thể là vì vậy.
Nhưng lâu nay râm ran có dư luận cho rằng các cấp cơ sở trước áp lực thi đua, họ sợ báo án sẽ làm tăng án (như trộm cắp, cướp giật…) trên địa bàn nên có chuyện “cố xử lý”, trong đó không loại trừ việc “ém”, không báo cáo cấp trên. Nếu có chuyện vì áp lực dẫn đến việc chỉ ghi nhận trình báo cho có lệ, không báo cáo thì rất đáng lo ngại. Bởi cấp phường không có chức năng điều tra, xử lý tội phạm nên nếu họ giấu giếm thông tin thì các vụ án mà người dân trình báo sẽ rơi vào cảnh… “tối thui” chứ không phải là “mờ” nữa.
Hệ quả đầu tiên là các thiệt hại của người dân bị tội phạm xâm hại không được bảo vệ, khắc phục. Khi đó niềm tin của người dân vào chức năng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội sẽ bị giảm sút. Câu chuyện còn đi xa hơn. Đó là khi thực tế không được báo cáo đầy đủ sẽ khó thể đánh giá được đầy đủ tình hình tội phạm và tất nhiên sẽ khó đề ra các giải pháp giữ gìn an ninh trật tự phù hợp, hiệu quả.
Các anh công an có nghĩa vụ đảm bảo an ninh an toàn trật tự xã hội. Muốn làm được việc này thì họ phải có thông tin đầy đủ về “bức tranh” thực tế, thông qua việc tiếp nhận và báo cáo đầy đủ thông tin phản ánh, trình báo của người dân từ cơ sở. Bằng ngược lại, khi để xảy ra sự việc “ém” án thì trong các báo cáo sẽ là màu hồng nhưng thực tế trật tự xã hội cứ bất ổn.
Như vậy, vô hình trung nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn trật tự xã hội của ngành cũng bị ảnh hưởng. Thế nên cách bình chọn, xét thi đua, khen thưởng cũng cần được xem lại.
GIA NGHĨA