EU muốn để Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp gánh người tị nạn

Một ngày sau khi 25 người chết trên biển khi mạo hiểm vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, ngày 7-3 tại Bỉ diễn ra cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davatoglu bàn cách hạn chế dòng người tị nạn đến châu Âu.

Cuộc họp là đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong năm 2015 Đức đã đón nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn và Thủ tướng Angela Merkel luôn kêu gọi các nước châu Âu hành động hỗ trợ người tị nạn. Tuy nhiên, báo New York Times (Mỹ) nhận định hành động và tiếng nói của Thủ tướng Angela Merkel ngày càng trở nên lạc lõng.

EU thủ thân bằng tiền và lợi ích

Quan điểm của EU là muốn Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc tốt hơn người tị nạn Syria và Iraq để hạn chế khả năng họ tìm đến một nước châu Âu khác. Trước cuộc họp ngày 7-3 EU đã đề nghị một số lợi ích tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này không để người tị nạn vào châu Âu. Đó là hỗ trợ 3,3 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết khủng hoảng người tị nạn Syria, đẩy nhanh tiến trình gia nhập thành viên EU và dễ dàng hơn thủ tục cấp visa vào EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trang The Guardian cho biết bản dự thảo thỏa thuận chung cuộc họp ngày 7-3 có điều khoản phong tỏa tuyến đường nhập cư Balkan (Hy Lạp - Macedonia - Serbia - Hungary). Đây là tuyến đường được bộ phận lớn người tị nạn từ Syria, Afganistan, Iraq lựa chọn để vào châu Âu.

Người tị nạn kẹt tại biên giới Hy Lạp với Macedonia ngày 5-3. (Ảnh: VOA)

Gần như toàn bộ người tị nạn và những đối tượng nhập cư khác muốn vào châu Âu đều phải mạo hiểm vượt biển trên những con thuyền nhỏ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Với hàng ngàn km bờ biển, Hy Lạp đã tuyên bố không thể chặn dòng người tị nạn nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có biện pháp ngăn người tị nạn vượt biển.

Trong ngày 7-3, hàng ngàn người tị nạn vẫn đang mắc kẹt ở biên giới Hy Lạp với Macedonia vì các nước châu Âu từ chối. Cảnh sát Macedonia dùng hơi cay bắn vào người tị nạn để ngăn họ vượt hàng rào xâm nhập biên giới. Pháp thì tiến hành dẹp bỏ trại tị nạn The Jungle, nơi trú náu của hàng ngàn người tị nạn đang chờ được sang Anh.

Các nước giáp Macedonia ở phía bắc đã đóng cửa biên giới. Tháng 2, Áo gia nhập chín nước Balkan xem người tị nạn Afghanistan là người nhập cư vì lý do kinh tế chứ không phải tị nạn chính trị và không cho vào nước. Bốn nước Đông Âu mà dẫn đầu là Ba Lan và Hungary cũng không mặn mà đón người tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp chia nhau gánh nặng

Trong khi các cửa ngõ vào châu Âu bị đóng, Hy Lạp hầu như ngày nào cũng phải mở một trại tị nạn để đón người tị nạn vì dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ qua không ngừng nghỉ.

Trong khi chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng cuộc họp khẩn ngày 7-3 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ của EU là một sự đồng lòng trong đối phó khủng hoảng người tị nạn thì nhiều nhóm nhân quyền, trong đó có tổ chức ân xá thế giới lại chỉ trích EU dồn gánh nặng cho một nước thay vì chia sẻ trách nhiệm. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận hơn 2,7 triệu người tị nạn chỉ từ Syria.

Theo New York Times, gọi những gì đang diễn ra ở châu Âu là cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn chưa diễn tả hết được quy mô khốn cùng của nó. Trong gần 135.000 người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến châu Âu từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 người tị nạn chết trên biển.

Thảm họa này sẽ nhanh chóng tồi tệ hơn khi các nước EU thay vì có hành động thống nhất và chia sẻ thì mỗi nước vẫn đang cố gắng thủ thân trong sợ hãi bằng cách đóng cửa biên giới từ chối người tị nạn. Châu Âu cần chấm dứt thái độ kỳ thị với người tị nạn và có một chính sách chung nhân đạo hơn với người tị nạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới